Một ứng dụng “biết tuốt”
“Em là ánh sáng soi bước đời anh
Là hương thơm đong đầy tình yêu trong tim
Ngày ấy, em đến bên anh đầy tươi cười
Hạnh phúc sum vầy, tình yêu dịu êm…”
Đây chỉ là một trong 4 khổ thơ mà ChatGPT làm trong vòng 2 phút để một người chồng tặng vợ mình nhân ngày 14-2 được người vợ khoe trên trang cá nhân. Có thể thấy, dù chưa thật sự mượt mà và đúng vần điệu, nhưng tứ thơ, lời thơ và thể thơ đều cơ bản đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người yêu cầu. Mới chỉ ra mắt từ cuối tháng 11-2022, nhưng sự xuất hiện của ChatGPT đang tạo nên một cơn địa chấn đối với lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo nói riêng cũng như với toàn ngành công nghệ nói chung. Với khả năng trình bày các câu trả lời một cách mạch lạc, chỉn chu như người thật, ChatGPT đã làm người dùng toàn cầu bất ngờ và thay đổi hoàn toàn cách nhìn về công nghệ AI mới này.
Trên các diễn đàn, ứng dụng này được hướng dẫn để sử dụng sao cho hiệu quả nhất, từ làm báo cáo, xây dựng kế hoạch, tổng hợp kiến thức nhằm tăng năng suất lao động. ChatGPT còn có thể làm báo cáo, lên ý tưởng, viết email, sửa lỗi chính tả, thậm chí tạo ra các sản phẩm thô như viết truyện, kịch bản video, bài giới thiệu sản phẩm hoặc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật…
Ví dụ, khi được hỏi về việc kinh doanh với số vốn 10 triệu đồng, ứng dụng này đã lên kế hoạch tương đối bài bản như sau: Tìm hiểu thị trường, Xác định nhu cầu của khách hàng, Tạo chiến lược kinh doanh, Quản lý chi phí, Xây dựng mạng lưới khách hàng, Quản lý và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời đưa ra một số mô hình kinh doanh tham khảo với số vốn dưới 10 triệu đồng như Bán hàng Online qua các kênh thương mại điện tử, sản xuất và bán sản phẩm do chính mình sản xuất, cho thuê máy móc thiết bị, cho thuê văn phòng, chỗ ở tạm thời và dịch vụ vệ sinh công nghiệp…
Sự linh hoạt và “biết tuốt” của ứng dụng ChatGPT đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Bởi không chỉ trả lời các câu hỏi, ứng dụng này còn có thể tương tác lại khi có những phản biện từ phía người dùng.
Thách thức với các ngành nghề
Đã có nhiều tọa đàm, hội thảo đánh giá về tác động của ứng dụng ChatGPT đối với các ngành nghề. Theo các chuyên gia, những vị trí thực hiện nhiệm vụ đơn giản hoặc những công việc được thực hiện theo lối mòn, không có tư duy, sáng tạo có thể sẽ bị ChatGPT hoặc những chatbot tương tự như thay thế.
Phóng viên, biên tập viên Báo Tuyên Quang tận dụng công nghệ sản xuất các chương trình trực tiếp.
Không chỉ là thách thức, ứng dụng này còn dấy lên nhiều lo ngại, nhất là trong vấn đề bản quyền và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ. Mới đây, thông tin luận văn của một sinh viên tại Nga được viết bởi ứng dụng trang bị trí tuệ nhân tạo ChatGPT, phần mềm đang thu hút được sự chú ý nhờ khả năng tạo văn bản, đã khiến nhiều người vô cùng hoang mang. Thay vì mất vài tuần, sinh viên này chỉ mất có 23 tiếng đồng hồ để hoàn thành luận văn tốt nghiệp về quản lý. Luận văn đã được bảo vệ thành công, với mức điểm tối thiểu. Nhưng điều này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng đạo văn và vay mượn.
Chỉ cần gõ từ khóa ChatGPT, ngay lập tức sẽ có trên 720 triệu kết quả liên quan xuất hiện. Cùng với đó là một loạt các bài viết liên quan, cảnh báo ChatGPT thách thức và ảnh hưởng tới các ngành nghề, từ giáo dục, marketing, sáng tạo nội dung, nhân viên văn phòng…
Bà Trần Thị Huệ, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DES (TP Tuyên Quang) cho rằng, qua thử nghiệm có thể thấy ChatGPT là một trong những công nghệ đáng chú ý, giúp doanh nghiệp tăng hiệu suất làm việc và tối ưu hóa quy trình, ví dụ như: Cải thiện tốc độ và hiệu quả trong giải quyết vấn đề của khách hàng, tạo ra nội dung chất lượng và cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, giảm thiểu tối đa chi phí tài nguyên cho công việc hỗ trợ và bán hàng, tăng tốc độ và hiệu suất trong tìm kiếm và phân tích dữ liệu. Việc sử dụng ChatGPT cho việc giải quyết vấn đề của khách hàng có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất của quá trình hỗ trợ khách hàng. Nó còn giúp tăng tính trung thực và tin cậy của khách hàng với doanh nghiệp bởi việc cung cấp thông tin và giải pháp chính xác và nhanh chóng.
Thách thức với truyền thông
Cũng như vậy, ChatGPT đối với truyền thông, báo chí cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là báo Đảng.
Mới đây, một phóng sự truyền hình được viết bằng công nghệ trí thông minh nhân tạo vừa được phát sóng trên kênh HTV9 thuộc Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Phóng sự này được xem là phóng sự phát sóng đầu tiên do AI viết tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, chú ý của khán giả cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.
Nhân viên Công ty cổ phần Công nghệ DES hướng dẫn khách hàng sử dụng công nghệ để quảng bá hàng hóa.
Thay vì cần một biên tập để viết nội dung cho phóng sự “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam”, ekip chương trình quyết định thử để cho trí thông minh nhân tạo AI ChatGPT viết thử một kịch bản về chính công nghệ này tại Việt Nam. Kết quả khiến Ekip bất ngờ khi ChatGPT có thể đề xuất được 5 phần chính trong kịch bản và tự viết được hơn 500 chữ cho mỗi phần. Ngoài ra, trí thông minh nhân tạo còn đề xuất được những chuyên gia phỏng vấn để bổ sung vào bài phóng sự. Sau khi có được bài viết từ trí thông minh nhân tạo, Ekip tiến hành đưa đi đọc và lồng tiếng, hậu kỳ và dựng clip trên nền văn bản mà ChatGPT đã viết.
Ngày 11-2-2023, chỉ hơn 3 tháng sau khi ứng dụng này ra đời và làm mưa làm gió trên thế giới, Báo Tuyên Quang Cuối tuần đã rất nhanh chóng thực hiện chuyên đề Ứng xử với Chat GPT và nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả.
Và để đánh giá toàn diện hơn về tác động của ứng dụng đối với báo chí truyền thông, ngày 1-3-2023, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Tuyên Quang phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chat GPT với báo chí truyền thông - Cơ hội và thách thức” tại tỉnh Tuyên Quang - đơn vị được đánh giá có những chuyển biến mạnh mẽ nhất về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí những năm gần đây.
Ông Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo là việc rất cần thiết trong thời đại kỷ nguyên số như hiện nay, trong đó có ứng dụng ChatGPT. Báo chí cũng như nhiều ngành nghề khác đang trong giai đoạn tìm hiểu và tìm cách khai thác tiện ích của nó để phục vụ tốt nhất cho công việc. Việc Báo Tuyên Quang tổ chức hội thảo chuyên đề này là rất ý nghĩa, tạo diễn đàn để được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, những người tiên phong sử dụng, là cơ hội tốt để Báo Tuyên Quang và các báo Đảng địa phương tiếp thu, khai thác, tận dụng những tiện ích mới nhất phục vụ cho công việc và phục vụ độc giả của mình. Qua đó, các báo sẽ định hướng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên vận dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung các tác tác phẩm báo chí.
Xin mượn lời của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trong buổi họp mặt báo chí đầu xuân Quý Mão 2023, chia sẻ về ứng dụng ChatGPT để kết thúc bài viết này. Đó là, ChatGPT buộc báo chí phải suy nghĩ, thúc giục báo chí phải cải tiến và phát triển kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng. Mô hình này cũng đặt ra yêu cầu cho báo chí cần giữ gìn độ tin cậy bằng chất lượng, tính minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Và, “điều quan trọng là không có gì có thể thay thế được quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của các nhà báo!”.
Gửi phản hồi
In bài viết