Hội thảo nhằm kịp thời giúp các nhà báo và nhà quản lý báo chí hiểu về “Chat GPT” của OpenAI, cách Chat GPT hoạt động và các ứng dụng của nó trong báo chí truyền thông. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Báo Tuyên Quang online, Fanpage Báo Tuyên Quang online và YouTube Báo Tuyên Quang online.
Hội thảo có sự góp mặt của hơn 100 đại biểu là các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia truyền thông, nhà nghiên cứu báo chí, chuyên gia về công nghệ và các phóng viên, biên tập viên Báo Tuyên Quang. Báo Tuyên Quang Cuối tuần trích đăng ý kiến tham luận của các diễn giả là nhà khoa học, chuyên gia truyền thông, chuyên gia CNTT xung quanh nội dung này.
Nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tiến sĩ Khổng Quốc Minh
Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều sản phẩm báo chí phù hợp.
Ở khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), mặc dù phản hồi do ChatGPT và ứng dụng AI tạo ra không được bảo hộ quyền tác giả. Điều này không có nghĩa nội dung được tạo bởi ChatGPT và ứng dụng AI có thể được sử dụng tự do hoặc sử dụng không quan tâm đến quyền của người khác. Nội dung được tạo bởi ChatGPT và ứng dụng AI có thể chứa thông tin được bảo hộ quyền SHTT của người khác (bên thứ ba). Việc sử dụng nội dung được tạo ra bởi ChatGPT và ứng dụng AI có nguy cơ xâm phạm quyền SHTT, nhất là quyền tác giả của người khác và dẫn đến các hậu quả pháp lý. Bản thân Công ty OpenAI cũng tuyên bố, người dùng phải tuân theo giấy phép và điều khoản sử dụng của OpenAI nên khi xảy ra vi phạm quyền SHTT, người sử dụng nội dung là bên chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình. Nếu người dùng sử dụng nội dung chứa thông tin đang được bảo hộ quyền tác giả của người khác, họ có thể bị coi là có hành vi tự sao chép; trích dẫn làm sai ý tác giả; mạo danh tác giả; công bố, phân phối tác phẩm; sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm đã được công bố, bảo hộ quyền tác giả của người khác. Tùy theo mục đích sử dụng và ngữ cảnh sử dụng mà các hành vi này bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Công nghệ và an ninh truyền thông
Tiến sĩ Trần Quang Diệu,
Phó Giám đốc Điều hành Trung tâm Truyền thông và ứng dụng CNTT,
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thúc đẩy lĩnh vực trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí, truyền thông cũng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến an ninh phi truyền thống trong quá trình phát triển này. Đó là sự tấn công của các thế lực thù địch, của các hacker vào các hệ thống thông tin quan trọng bằng lây nhiễm, cài cắm mã độc để chiếm đoạt, đánh cắp thông tin cá nhân; tấn công thu thập dữ liệu để sử dụng chống phá... Thực tế mà nói điều này đã xảy ra.
Tận dụng có hiệu quả cơ hội cuộc Cách mạng 4.0, đồng thời đảm bảo an ninh truyền thông, theo tôi, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; thực hiện kiểm soát, quản lý bằng chủ trương, chính sách, pháp luật và năng lực công nghệ; có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và phù hợp của các cơ quan hữu trách. Bên cạnh đó, Nhà nước phải xây dựng một hệ thống cơ sở pháp lý, ban hành luật pháp và hướng dẫn thực thi pháp luật, tất cả mọi người phải tuân thủ thông tin trên mạng, đồng thời có cơ chế phối hợp và tận dụng sức mạnh toàn dân trong đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Chúng ta cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền và truyền thông về an toàn, an ninh thông tin trên môi trường Internet, đặc biệt là chủ thể hoạt động trên mạng xã hội... Làm được điều này sẽ khai thác hiệu quả cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trong thực hiện nhiệm vụ truyền thông, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tốt đẹp.
Tuân thủ các quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Oanh,
Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
ChatGPT thực sự là cơ hội cho nhà báo nâng cao kiến thức và kỹ năng trong sáng tạo tác phẩm và sản xuất các loại hình sản phẩm báo chí truyền thông. Tuy nhiên, nó cũng thực sự thách thức các nhà báo trước những hiểu biết và đòi hỏi sự đáp ứng phương pháp tiếp cận thông tin của một người làm báo hiện đại trong bối cảnh trí thông minh nhân tạo này đang làm được những công việc mà nhà báo vẫn thường làm. Nhà báo vẫn cần phải kiểm tra và xác nhận thông tin một cách cẩn thận trước khi sử dụng nó trong bài viết của mình. Nhà báo phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và nguyên tắc báo chí để đảm bảo tính chính xác và khách quan của tin tức. Ngoài việc tuân thủ các quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, nhà báo cần nâng cao trình độ, kiến thức nghề báo và các kỹ năng và trình độ chuyên môn báo chí truyền thông, đồng thời sử dụng công nghệ một cách hiệu quả để tăng tính hiệu quả và chất lượng của công việc.
Sử dụng trong sự cẩn trọng
Thạc sĩ Vũ Cường,
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ,
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Điểm đặc biệt của ChatGPT nằm ở khả năng diễn giải ngôn ngữ một cách rất tự nhiên cùng với kho “kiến thức” vô cùng lớn từ bộ dữ liệu huấn luyện ban đầu do OpenAI xây dựng. Tuy nhiên, dù là công cụ rất mạnh và có sức thu hút người dùng trong thời gian qua, hỗ trợ cho tác nghiệp báo chí khá hiệu quả, ChatGPT vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế mà nhà báo cần phải cẩn trọng trong quá trình sử dụng phục vụ cho hoạt động tác nghiệp báo chí của mình.
Vậy, trong khi ChatGPT đang cố gắng đưa ra các phiên bản nâng cao hơn, để giải quyết những hạn chế đó, thì tòa soạn và nhà báo cần phải chủ động làm những công việc để tận dụng tối ưu ChatGPT.
Báo chí cần phải là diễn đàn, quy tụ và tổng hợp các ý kiến từ chuyên gia, nhà công nghệ, người dùng..., từ đó tư vấn cho các nhà quản lý trong hoạch định chính sách, quản lý các công cụ, nền tảng công nghệ mới, đặc biệt các công cụ như ChatGPT. Các tòa soạn cũng cần phải hướng dẫn phóng viên của mình, và bản thân các phóng viên cũng cần tự cập nhật các kỹ năng làm sao để khai thác, tận dụng những thế mạnh của ChatGPT và hạn chế những điểm yếu của công cụ đó. Chúng ta còn nhớ, khi công cụ tìm kiếm Google xuất hiện, các tòa soạn và nhà báo cũng sử dụng và lo ngại về hiệu quả, chất lượng của Google. Nhưng ngay sau đó, các khóa tập huấn về kỹ năng tìm kiếm, phân tích, thẩm định và sử dụng thông tin, kết quả từ Google đã hỗ trợ nhà báo như thế nào trong tác nghiệp báo chí của họ. Điều đó cũng tương tự với ChatGPT, các nhà báo cần phải có kiến thức, kỹ năng để “giao tiếp”, “đưa ra yêu cầu” và “đánh giá” các nội dung của ChatGPT từ đó tận dụng tối ưu những điểm mạnh của nó, và hạn chế tối đa những nguy cơ nó có thể mang lại. Quan trọng hơn cả, nói gì thì nói, ChatGPT vẫn là một công cụ máy móc, không thể so sánh với bộ não của con người. Chính vì vậy, ChatGPT vẫn luôn phát huy và tòa soạn, nhà báo nên tận dụng ChatGPT ở những công việc, công đoạn sáng tạo tác phẩm báo chí giản đơn, không đòi hỏi phức tạp, thậm chí là viết những tin cơ bản, đơn giản. Song song với đó, vừa để khẳng định vị trí không thể thay thế của nhà báo nói riêng và báo chí nói chung, cho dù ChatGPT hay bất kỳ công cụ “học máy” nào phát triển đến đâu, vừa để đảm bảo chất lượng báo chí và nâng cao độ uy tín của báo chí, các tòa soạn và nhà báo cần đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào sản xuất các sản phẩm báo chí có chất lượng, là thương hiệu của tờ báo và của phóng viên. Điển hình là những tác phẩm báo chí điều tra, phân tích, bình luận có chất lượng. Những tác phẩm này, ChatGPT hầu như khó thay thế được vai trò của nhà báo. Và hơn nữa, ngoài chất lượng, thì “sự sáng tạo” trong từng tác phẩm báo chí sẽ là một trong yếu tố quyết định đến sự khác biệt và vượt trội của nhà báo so với ChatGPT hay bất kỳ công nghệ tương tự. “Chất lượng” và “sáng tạo” sẽ luôn được tôn vinh và sẽ ngày càng phải được chú trọng trong lĩnh vực báo chí để đảm bảo báo chí là lĩnh vực và nhà báo là đối tượng không thể thay thế bởi bất kỳ công nghệ hay máy móc nào.
Tận dụng sức mạnh và lợi thế từ công nghệ AI
Thạc sĩ Ngô Trần Thịnh,
Phụ trách nội dung Kinh tế - Công nghệ - Trung tâm tin tức
Đài Truyền hình TPHCM
Đội ngũ thực hiện chương trình Cuộc sống tương lai CafeTek phát sóng 8h chủ nhật hàng tuần trên HTV9, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện một phóng sự truyền hình được viết bằng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). Ekip chương trình quyết định thử để cho trí thông minh nhân tạo AI viết thử một kịch bản về chính công nghệ này tại Việt Nam. Đây được xem là phóng sự phát sóng do AI viết đầu tiên tại Việt Nam.
Kết quả khiến Ekip bất ngờ khi công nghệ AI có thể đề xuất được 5 phần chính trong kịch bản và tự viết được hơn 500 chữ cho mỗi phần. Ngoài ra, trí thông minh nhân tạo còn đề xuất được những chuyên gia phỏng vấn để bổ sung vào bài phóng sự. Sau khi có được bài viết từ trí thông minh nhân tạo, Ekip tiến hành đưa đi đọc và lồng tiếng, hậu kỳ và dựng clip trên nền văn bản mà công nghệ AI đã viết. Khi hoàn thành các công đoạn, phóng sự mà trí thông minh nhân tạo viết thực sự dễ nghe, đủ thông tin và đúng bố cục từng phần đối với một phóng sự cơ bản, thông qua kiểm duyệt nội dung để chính thức phát sóng.
Mặc dù vậy, dữ liệu AI cung cấp cho Ekip chưa thể đưa qua đọc tiếng được ngay mà còn phải qua thêm một lớp rà và chỉnh sửa lại từ ngữ để hợp với góc nhìn phóng sự, sử dụng danh từ chính xác thay cho các từ ngữ do máy học tổng hợp đề xuất. Thêm nữa, không phải chỉ đặt 1 câu hỏi là AI có thể ra được kết quả hoàn thiện ngay mà chúng tôi phải hỏi AI đến 8 câu để dẫn dắt cho AI hiểu được ý của Ekip biên tập.
Qua đoạn phóng sự, có thể thấy được năng lực khó tin của trí thông minh nhân tạo (AI) hiện nay và chắc chắn là trong tương lai, công nghệ này sẽ còn phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, xét cho cùng, tiến bộ công nghệ vẫn phải nhằm phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Do đó, hãy tận dụng sức mạnh và lợi thế từ công nghệ AI như CafeTek đã làm thay vì lo sợ AI sẽ cướp mất công việc từ tay mình.
Gửi phản hồi
In bài viết