Kỳ vọng kinh tế đêm

- Kinh tế ban đêm đã được hình thành từ lâu ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới và ở các tỉnh, thành phố, trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Kinh tế ban đêm nếu được khai thác tốt sẽ tạo ra “cú huých” cho kinh tế, dịch vụ, du lịch. Những năm gần đây, nhận thấy rõ vị trí, tầm quan trọng của kinh tế ban đêm, ở Tuyên Quang đã bước đầu manh nha, hình thành một số hoạt động thành phần của kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch cần có sự thay đổi về tư duy, có sự quyết liệt trong hành động với cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý phù hợp.

Chưa hấp dẫn, lôi cuốn

Tuyên Quang có nhiều yếu tố và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch gắn với kinh tế ban đêm. Từ năm 2019, thành phố Tuyên Quang đã hình thành tuyến phố đèn lồng rồi tuyến phố đi bộ trên 3 tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Hà Huy Tập và Đinh Tiên Hoàng thuộc phường Tân Quang, Phan Thiết. Tuyến phố đi bộ được xem là hoạt động thành phần của kinh tế đêm, hoạt động vào thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.

Tại huyện Na Hang và Lâm Bình cũng đã hình thành chợ đêm Na Hang và tuyến phố đi bộ. Tại chợ đêm và các tuyến phố đi bộ này đã diễn ra một số hoạt động nhằm thúc đẩy dịch vụ, du lịch, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương và thu hút khách tham quan như các hoạt động dân ca, dân vũ, biểu diễn hát Then - đàn Tính, giới thiệu, bày bán các sản vật, món ăn đặc trưng của địa phương, tổ chức các trò chơi dân gian, bố trí các điểm check-in chụp hình cho du khách…

Một gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương tại chợ đêm Na Hang. Ảnh: Quang Hòa

Năm 2014, lần đầu tiên, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội này đã được kỷ lục Guiness xác lập: “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”. Từ năm 2015 đến nay, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch như các hoạt động trưng bày, giới thiệu nét ẩm thực đa dạng, phong phú của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Lễ hội bia Hà Nội, trình diễn giới thiệu trang phục, biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động thể thao, du lịch, tour tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích và điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các dịch vụ phục vụ nhu cầu ẩm thực, vui chơi, giải trí gắn với lễ hội vẫn còn nghèo, chưa thực sự hấp dẫn du khách.

Doanh nhân Trần Thị Yến, Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Trần Yến - Trung tâm Nhật ngữ Hikari, người sinh ra ở Tuyên Quang nhưng đã từng sống, công tác ở Nhật Bản cho rằng, ở Tuyên Quang, những dịch vụ cung cấp về đêm hiện còn rất hạn chế. Tuyên Quang có nhiều thắng cảnh và văn hóa lâu đời, đặc biệt có Lễ hội Thành Tuyên. Nếu không khai thác hiệu quả những thế mạnh này để phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch sẽ rất lãng phí. Chị Yến chia sẻ, ở nước ngoài, người dân có thể tham gia vào rất nhiều dịch vụ, trải nghiệm về đêm để hiểu thêm về văn hóa, phong tục của nơi đó. Thậm chí về đêm, người ta có thể đến tuyến phố đi bộ để nhâm nhi một ly rượu vang, nghe một bản nhạc cũng rất dễ dàng và khá phổ biến. Ở Tuyên Quang, việc thưởng thức những món ăn mang nét đặc trưng của xứ Tuyên cũng như trải nghiệm các dịch vụ, hoạt động nghệ thuật, văn hóa về đêm vẫn còn hiếm.

Phố đi bộ Lâm Bình thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Cao Huy

Chị Phạm Thị Hương, Hướng dẫn viên du lịch Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh từng có nhiều năm là hướng dẫn viên quốc tế, được đi nhiều quốc gia trên thế giới chia sẻ, kinh tế đêm phải gắn chặt với phát triển dịch vụ, du lịch, người dân và khách du lịch phải được tiêu tiền khi đến với Tuyên Quang. Tuyên Quang mới chỉ bước đầu hình thành chợ đêm và một số tuyến phố đi bộ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Du khách khi đến với Tuyên Quang chưa có nhiều cơ hội được thưởng thức những món ăn đặc trưng, riêng có, chưa được trải nhiệm nhiều hoạt động giàu bản sắc văn hóa ở chợ đêm hay các tuyến phố đi bộ. Các điểm bày bán nông sản, đặc sản chưa đa dạng, hấp dẫn. Những quán xá, nhà hàng ăn uống trên các tuyến phố đi bộ chủ yếu là tự phát, chưa để lại dấu ấn thực sự.

Chính sách đã mở…

Ngày 27-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Đề án nhấn mạnh phát triển kinh tế ban đêm trước mắt nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển du lịch thông qua phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, mua sắm, du lịch diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Chính phủ không khuyến khích phát triển kinh tế đêm một cách đại trà mà có trọng tâm, trọng điểm và phải được đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển cẩn thận, đồng bộ, dài hạn, có lộ trình và nguồn lực thực thi phù hợp.

Ngay sau khi Đề án của Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đã có văn bản số 2362/UBND-TH giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện những nội dung thuộc trách nhiệm theo Đề án đã phê duyệt.

Nhiều chuyên gia, người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và du khách khi đến với Tuyên Quang đều cho rằng, Tuyên Quang cần thiết phải đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm bởi Tuyên Quang có nhiều điều kiện và yếu tố thuận lợi để phát triển. Những năm gần đây, Tuyên Quang đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, đầu tư tuyến đường từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi phường Mỹ Lâm, thi công xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; xin chủ trương xây dựng đường cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh… Những công trình, dự án này khi hoàn thành sẽ là động lực để tỉnh liên kết phát triển kinh tế nói chung, kinh tế đêm nói riêng.

Nhiều hàng quán mọc lên tại tuyến phố đi bộ ở TP Tuyên Quang nhưng chưa thực sự có điểm nhấn về ẩm thực của xứ Tuyên.

Theo doanh nhân Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Năm Sao - Fivestar Travel, xây dựng kinh tế đêm cần có sự bền bỉ, mang tính chiều sâu, truyền tải những giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ thông qua kinh tế đêm. Do đó, tỉnh cần xây dựng quy hoạch, lộ trình cụ thể, quy định khu vực hoạt động, sản phẩm ưu tiên, các quy định khi doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế đêm. 

Đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, UBND huyện đang có kế hoạch sẽ từng bước mở rộng hơn các hoạt động văn hóa, dịch vụ về đêm. Hiện nay, huyện đang đầu tư xây dựng mở rộng khu ẩm thực, có chủ trương đầu tư kéo dài tuyến phố đi bộ dọc theo hai bờ sông Gâm. Đồng thời có chính sách khuyến khích nhân dân đầu tư thêm các gian hàng bày bán, giới thiệu các sản vật đặc trưng của các dân tộc đảm bảo sự đa dạng, phong phú hơn nữa, đáp ứng nhu cầu mua sắm về đêm của du khách.

Theo Doanh nhân Trần Thị Yến, Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Trần Yến - Trung tâm Nhật ngữ Hikari, phát triển kinh tế đêm thành công phải dựa vào những nhu cầu thực tế của người dân. Bởi vậy, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, lộ trình cũng như các chính sách phải chủ động đi trước đón đầu để khi thực tiễn phát triển, công tác quản lý có thể bắt kịp.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với cơ chế, chính sách đã mở, Tuyên Quang có thể tạo ra những “cú huých” khi phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên cần có bước đi chắc chắn, phù hợp với tư duy chủ động, sáng tạo, đổi mới.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục