Những dòng suối mát lành bắt nguồn từ trùng điệp núi non là món quà thiên nhiên ban tặng người vùng cao. Dòng suối quanh năm chảy khắp bản làng không chỉ mang đến nguồn nước tưới cho đồng ruộng, cây cối xanh tốt mà còn mang đến nguồn thực phẩm dồi dào với cá suối, tôm, tép, ốc… Chỉ với dụng cụ đánh bắt thủ công được làm từ tre, nứa như đó, dậm,… bà con cũng có một bữa cơm gia đình với tôm, cá tươi rói, giàu dinh dưỡng.
Với món cá suối, bà con có nhiều cách chế biến, phổ biến là cá suối chiên giòn. Những con cá suối nhỏ bằng ngón tay út được bà con rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo mỡ nóng chiên giòn. Thưởng thức ngay lúc nóng sẽ cảm nhận được vị ngọt, vị thơm tự nhiên của cá. Thích nhất là miếng cá nóng giòn tan nơi đầu lưỡi khiến bạn nhớ mãi không quên.
Cá suối còn được bà con nấu canh chua cũng vô cùng hấp dẫn. Bà con thường hái luôn lá chua mọc ở ven suối, sau đó rửa sạch để nấu cùng với cá. Để giữ nguyên hương vị tự nhiên, bà con chỉ đun sôi nồi nước, sau đó cho lá chua vào, đợi nước sôi sẽ cho cá suối còn tươi vào nồi. Đun sôi trong vài phút là có bát canh cá nấu chua nóng hổi, tỏa hương thơm ngào ngạt.
Rau rừng được bày bán tại cửa hàng OCOP Tâm Hương, TP Tuyên Quang.
Ở dòng suối làng, tôm là thực phẩm quen thuộc mà người dân vùng cao hay đánh bắt được. Tôm suối thường nhỏ, vỏ mỏng nên sau khi làm sạch, bà con chế biến rất nhanh và đơn giản, phổ biến là món tôm chiên. Trước đây món này khi chiên chín, bà con rắc ít lá chanh đã thái sợi mỏng để tăng vị thơm. Ngày nay, món tôm này thường được cuốn với lá cải cay được nhiều thực khách ưa chuộng.
Hiện nay, cá suối, tôm sông hay rau rừng đều sẵn có ở một số chợ. Vì vậy, nếu muốn thay đổi thực đơn thì mâm cơm dân dã với tôm, cá suối, rau rừng… chắc hẳn sẽ mang đến hương vị khác lạ.
Gửi phản hồi
In bài viết