Nhiều nhiệm vụ chậm tiến độ
Theo báo cáo Công an tỉnh (Cơ quan thường trực Đề án 06 tỉnh Tuyên Quang), tính đến giữa tháng 7 vừa qua, các cơ quan, đơn vị mới hoàn thành được 7/47 nhiệm vụ của năm 2023; còn lại 40/47 nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên và đang thực hiện. Trong đó có 8 nhiệm vụ đang bị chậm tiến độ. Đặc biệt có nhiệm vụ còn tồn từ năm 2022 vẫn chưa hoàn thành như xây dựng, triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) thuộc trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp thực hiện.
Các nhiệm vụ bị chậm tiến độ gồm có: xây dựng, trình UBND tỉnh đề xuất xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách miễn giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân tham gia thực hiện; Đẩy mạnh cung cấp, thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung thực hiện chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt…
Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương làm Trưởng đoàn làm việc, tham quan, trải nghiệm các mô hình, giải pháp công nghệ gắn với Đề án 06 được triển lãm tại
Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an).
Việc chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của đơn vị chủ trì hoặc liên quan các sở, ngành, UBND cấp huyện cùng phối hợp thực hiện chưa chủ động bám sát yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Theo đánh giá của Văn phòng UBND tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh còn có hạn chế về tốc độ truy cập, phản hồi các yêu cầu chậm; việc khai thác số liệu chưa thể hiện được đầy đủ các tiêu chí theo bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã có kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để tái sử dụng chưa đáp ứng đủ yêu cầu theo quy trình...
Mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đến nay, kết quả thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đối với 5 nhóm tiện ích có một số chỉ tiêu chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa tạo chuyển biến rõ nét.
Tính đến ngày 15-7, tỷ lệ DVC trực tuyến của Tuyên Quang vẫn còn khá khiêm tốn, chiếm 38,6% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Nhiều đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện có tỷ lệ DVC trực tuyến thấp như: Sở Y tế (0,11%), Thanh tra tỉnh (1,82%), Sở Nội vụ (6,73%), UBND huyện Lâm Bình (10,31%), UBND huyện Sơn Dương (18,57%); UBND huyện Na Hang (20,60%)…
Thực tế, việc ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử VNeID trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa được phát triển rộng rãi. Ví như trong lĩnh vực ngân hàng có tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ nhưng hiện tỉnh ta mới có Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tuyên Quang thực hiện xác thực khách hàng thông qua xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng VNeID trên nền tảng công nghệ sinh trắc học. Hay như việc thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước (do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì chưa được thực hiện) mới đang rà soát nhu cầu đăng ký hình thức nhận trợ cấp của các đối tượng đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên.
Nguyên nhân
Theo Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Nguyên nhân của việc chậm một số nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh cũng là thực trạng chung như nhiều địa phương khác trong cả nước, nhất là các tỉnh miền núi, còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, hạ tầng công nghệ thông tin khác lạc hậu, thiếu đồng bộ dẫn đến các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành chậm được kết nối và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống khác, chưa được công bố rộng rãi (dữ liệu mở) cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng hoặc khai thác dữ liệu. Đồng thời, nền tảng tích hợp, chia sẻ tỉnh Tuyên Quang (LGSP) được xây dựng từ năm 2018, đến thời điểm triển khai Đề án 06 chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Người dân dễ dàng được hướng dẫn thực hiện DVC trực tuyến khi dùng điện thoại thông minh quét mã QR dán tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC xã Linh Phú (Chiêm Hóa).
Trang thiết bị phục vụ hoạt động tại Bộ phận Một cửa các cấp chưa đáp ứng yêu cầu như: Máy tính cũ cấu hình thấp, thiếu máy Scan... Tuy nhiên, việc trang cấp, bổ sung cần phải rà soát, bố trí kinh phí theo lộ trình và khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Đến tháng 6-2023, toàn tỉnh còn 78/1.733 thôn thuộc "vùng lõm" có sóng hoặc sóng yếu, không ổn định ảnh hưởng lớn đến việc người dân tiếp nhận, thực hiện TTHC trên cổng DCV trực tuyến. Trong khi đó, việc mở rộng vùng phủ sóng tới các thôn, bản vùng sâu, vùng xa đều phụ thuộc vào kế hoạch và nguồn kinh phí của các tổng công ty và tập đoàn viễn thông.
Về nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin, nhân lực phục vụ chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn thiếu. Đến tháng 6-2023, tỉnh mới có gần 2,8% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ công nghệ thông tin trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức (436/15.804) công tác tại cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh. Đến cuối năm 2022, tỉnh ta mới có 56 công chức, viên chức chuyên trách, chuyên gia giỏi, kỹ sư đầu ngành về phần mềm, bảo mật, công nghệ số.
Những "lực cản" khi triển khai các DVC trực tuyến đã được chỉ ra khi tỉnh ta có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, người cao tuổi cao (hộ nghèo, cận nghèo chiếm 26,35%; người cao tuổi chiếm 10,9% dân số) và có trên 89.000 người dân chưa có thiết bị điện thoại thông minh (chiếm 13,1% tổng số nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên). Trước nay, người dân vẫn trực tiếp đến cơ quan nhà nước để giải quyết TTHC nay thay đổi tư duy, thói quen đó cần có thời gian. Một số lĩnh vực như chi trả lương hưu, chính sách đang được thực hiện, giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích được cán bộ mang đến tận nhà. Nếu sử dụng DVC trực tuyến người được hưởng chính sách phải đi rút tiền tại trung tâm xã, huyện hoặc đến các cây ATM xa nhà, chi phí cao hơn dịch vụ bưu chính công ích.
Đồng bộ giải pháp
Đề án 06 xác định năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Để tháo gỡ những điểm "nghẽn" trong quá trình thực hiện, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết số 90-NQ/TU ngày 29-5-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Qua đó, nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06 để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện, cũng như tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người thân, Nhân dân đồng thuận tham gia. Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, trong đó phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác vận động, hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện DVC của lực lượng Công an cấp cơ sở, Tổ công nghệ số cộng đồng…
Công an xã Trung Minh (Yên Sơn) hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản VNeID phục vụ thực hiện các DVC trực tuyến.
UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị rà soát, tháo gỡ các điểm "nghẽn" về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu cho ý kiến vào dự thảo các văn bản về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm các bước đi của Đề án 06 theo đúng quy định pháp luật. Các sở, ngành liên quan sớm hoàn thiện xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến, trình cấp có thẩm quyền ban hành để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Cuối tháng 8, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ triển khai 2 nhóm TTHC liên thông, bao gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng. Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đối với 2 nhóm DVC liên thông.
Để hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, UBND tỉnh đã bố trí gần 80 tỷ đồng đầu tư thành phần công nghệ thông tin thiết yếu và bổ sung trang cấp thiết bị đầu cuối. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát để trang cấp bổ sung và đôn đốc xây dựng, triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) và việc nâng cấp và xây dựng bổ sung nền tảng chung tích hợp chia sẻ các hệ thống thông tin quy mô cấp tỉnh LGSP… Các cấp, các ngành tăng cường tập huấn nghiệp vụ (về số hóa, dữ liệu, chữ ký số...) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp một lần thông tin cho cơ quan Nhà nước khi giải quyết TTHC.
Đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Đỗ Tiến Thùy cho biết: Công an tỉnh đã, đang chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Đề án 06 bám sát lộ trình, trong đó có giải pháp nâng cao tỷ lệ triển khai DVC trực tuyến đáp ứng mục tiêu thay đổi từ cán bộ "làm thay, làm hộ” sang cán bộ "hỗ trợ, hướng dẫn" người dân để dần nâng cao kỹ năng số cho người dân. Công an tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tham mưu công tác ký kết phối hợp giữa UBND tỉnh và Bộ Công an trong triển khai 43 mô hình điểm Đề án 06 để ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và khai thác CSDL quốc gia về dân cư trong đời sống kinh tế - xã hội.
Tháng 8 vừa, Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương làm Trưởng đoàn đã làm việc, tham quan Triển lãm 43 mô hình, giải pháp công nghệ gắn với Đề án 06 tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an). Chuyến công tác có ý nghĩa rất lớn giúp các cán bộ, lãnh đạo các sở, ngành được "mắt thấy, tai nghe" về những mô hình về các nhóm tiện ích dịch vụ công; phát triển kinh tế, xã hội, công dân số; số hóa tạo lập dữ liệu dùng chung… Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, sớm triển khai các mô hình giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần tháo gỡ những điểm "nghẽn" để thực hiện thắng lợi Đề án 06, thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết