Chuyện sỏi trắng sông Lô về Lăng Bác

- Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng vào mùa khô 1973-1974. Quá trình thi công Lăng Bác, không khí "cả nước đồng lòng, toàn dân góp sức" được phát động trên mọi miền Tổ quốc. Và ở Tuyên Quang, cũng có một thế hệ sôi nổi và tràn đầy tự hào, khi lớp lớp thanh niên sẵn sàng góp sức mình để hoàn thành công trình lịch sử này.

"Nhiều người đã khóc khi nhận nhiệm vụ”

Trong ký ức của thế hệ học sinh trường cấp 3 Tân Trào những năm 1974, 1975, lời phát động của Ban phụ trách công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về trường kêu gọi học sinh cùng tìm kiếm những vật liệu quý để gửi về xây dựng Lăng đến giờ vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Lê Quang Hòa, nguyên học sinh lớp 8, trường Tân Trào thời ấy nhớ lại, ngày ấy, cả nước hướng về công trình xây dựng Lăng, như một tiếng gọi thiêng liêng của mỗi người dân, mỗi địa phương muốn dành những gì ưu tú nhất của quê hương để được dâng lên Người.

Bức ảnh quý giá về thế hệ thanh niên Tuyên Quang tham gia xây Lăng chụp khi công trình cơ bản hoàn thành được ông Trịnh Khắc Vinh lưu giữ lại (Ảnh nhân vật cung cấp).

Ở miền Bắc, tất cả các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành đều cử những cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề và những thanh niên ưu tú nhất về tham gia làm việc ở công trường xây dựng Lăng Bác. Các địa phương cũng gửi những sản vật quý giá nhất về xây dựng Lăng Bác. Theo thiết kế, đá đỏ ở Bá Thước (Thanh Hóa) được dùng để ốp thành 2 lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong phòng Bác nằm. Đá Ngọc Bích khai thác ở Bản Piên (Trùng Khánh, Cao Bằng) được gia công chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh khảm vào đá hoa cương ở mặt trước Lăng và bậu cửa chính. Đá núi Nhồi (Thanh Hóa) có màu đen nhánh ốp ở hàng cột sảnh cầu thang lên xuống. Đá Hòa Pháp (Hà Tây cũ) có màu trắng, vân mây ốp ở hai phòng khách sang trọng nhất trong Lăng...

Với lợi thế dòng sông Lô chảy dọc thị xã, Tuyên Quang được kêu gọi tìm kiếm sỏi trắng Sông Lô để gia công tấm bê tông sỏi nổi lát vỉa hè các lối đi ở Quảng trường Ba Đình trước Lăng Bác.

Ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên là Bí thư chi đoàn lớp 8C, trường cấp 3 Tân Trào nhớ lại, trường cấp 3 Tân Trào khi ấy có khoảng 300 học sinh. Khi nghe lời kêu gọi của Ban xây dựng, giáo viên và học sinh toàn trường như lặng đi, tất cả đều hướng tâm trí, tình cảm về Bác Hồ. Nhiều  người đã khóc khi nghe lời phát động, trên gương mặt của mỗi học sinh, đều tràn đầy quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và phải hoàn thành một cách xuất sắc nhất.

Vì Người không quản nắng mưa

Những ngày mùa thu tháng 10 - 1974, trời bắt đầu se lạnh, nước sông Lô bắt đầu cạn và để lộ ra những bãi sỏi dọc từ Bãi Quánh (khu vực cầu Tân Hà bây giờ) đến Soi Trâu, Soi Bò (hiện là khu vực bến Bình Ca).

Mẫu sỏi được đưa ra là kích thước cỡ bằng quả ổi, quả cam, quả cau, và đặc biệt phải thật nhẵn nhụi, trắng tinh khiết.

Học sinh hơn 30 lớp của trường cấp 3 Tân Trào không nề hà rét mướt, người có thuyền thì đi bằng thuyền, người không có thuyền thì đi bộ.

Ông Nguyễn Hữu Chính, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang), nguyên là học sinh trường cấp 3 Tân Trào nhớ lại, nhà ông khi ấy ở Bến Đất, liền kề sông Lô, nhà có 2 thuyền để gia đình sử dụng. Gần nhà ông là nhà ông Hoa, cũng có một chiếc thuyền nhỏ. Cả tuần ấy, học sinh tập trung tại nhà 2 ông, rong ruổi dọc bờ bãi Quánh, các bãi soi chọn những viên sỏi trắng sông Lô  đẹp nhất để đóng góp công trình xây dựng Lăng Bác.

Thế hệ trẻ Tuyên Quang báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Trang.

Ngày ấy, sông Lô có 2 bãi sỏi trắng, hạt to đẹp nổi tiếng cả vùng là bãi Quánh (khu vực Minh Xuân hiện nay) và bãi cuối soi Tình Húc. Học sinh trường cấp 3 Tân Trào người có thuyền thì chèo thuyền, người không có thuyền thì đi bộ dọc bờ sông đến vài cây số để tìm kiếm những viên sỏi đúng theo yêu cầu. Dẫu không nói ra, nhưng gần như lớp nọ thi đua với lớp kia, sao cho tìm kiếm được nhanh nhất, sỏi đúng kích cỡ yêu cầu nhất để bày tỏ lòng kính yêu của học sinh Tân Trào với Bác Hồ. Bãi sỏi nào cũng có dấu chân của học sinh, những đôi bàn tay của cô cậu học trò 15, 16 tuổi không nề hà rét mướt, người đeo bao tải, người mang túi vải, người mang theo xô, tìm kiếm từng viên đá trắng tinh như ngọc. Mỗi người đều phấn đấu hoàn thành vượt 5 kg chỉ tiêu.

Sau một tuần trời rong ruổi, cúi nhặt, những khuôn mặt học sinh sẫm màu mật ong. Ông Nguyễn Hữu Chính nhớ lại, những ụ sỏi được tập kết, chất thành đống lớn tại Bến Đất. Trước khi đóng vào bao chuyển đi, sỏi lại được tuyển chọn một lần nữa.

Không chỉ đóng góp vật liệu xây lăng Bác, những năm 1975, hàng nghìn thanh niên Tuyên Quang đóng quân tại Quân khu Việt Bắc cũng được huy động về Hà Nội, góp sức xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người lính già Trịnh Khắc Vinh, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) nhớ lại, đầu năm 1975, ông cùng hơn 4.000 thanh niên đóng quân tại Quân khu Việt Bắc được lệnh về Hà Nội, làm nhiệm vụ dọn dẹp quanh khu vực lăng, đổ bê tông, lát nền vỉa hè, sân quảng trường... Những chàng trai tuổi 18, đôi mươi, hai tay xách hai bao xi măng, băng băng 3 ca làm việc liên tục từ 6 giờ sáng.

Ông Phùng Cao Sơn, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cũng là một trong những người trực tiếp góp sức xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Sơn bảo, hết việc, anh em lại bảo nhau dọn dẹp cát sỏi, vật liệu quanh khu vực mình làm. Nắng nóng, thiếu thốn, nhưng không ai kêu ca một lời, tất cả vì mục tiêu hoàn thành Lăng của Người đúng thời gian quy định.

Cuối tháng 8 - 1975, sau khi hoàn thành Lăng, những người trực tiếp đóng góp sức lao động như ông Vinh, ông Sơn được ưu tiên viếng Người đầu tiên. Bây giờ nhắc lại, các ông vẫn không thể nào tả hết nỗi xúc động của mình khi tận mắt nhìn thấy Người. Bác nằm đó, như đang ngủ. Bình yên và hiền hòa. Sau này, cả 2 ông đều chưa có cơ hội được quay trở lại, viếng Lăng Bác lần thứ hai, nhưng  trong tâm trí các ông, giây phút ấy, sau gần 50 năm, vẫn vẹn nguyên như vậy.

Dịp Tết nguyên đán 2023, đại gia đình ông Nguyễn Hữu Chính về Lăng viếng Bác. Đi trên đường rải sỏi, ông Chính kể cho các cháu câu chuyện những viên sỏi dưới chân có nguồn gốc từ sông Lô quê mình, do chính tay ông và thế hệ ông bà tự tay lựa từng viên gửi về xây Lăng Bác. Các cháu ông ngạc nhiên và tự hào lắm, cứ hỏi ông mãi về những tháng ngày ấy. Thấy các cháu lắng nghe, ông Chính vừa vui, vừa xúc động khi đã được cùng bạn bè thế hệ mình ở Tuyên Quang góp phần công sức nhỏ bé của mình để cùng với cả nước, hoàn thành công trình vĩ đại của cả dân tộc tưởng nhớ Bác Hồ.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục