Khởi tạo du lịch nông thôn

- Phát triển du lịch nông thôn là một trong những nội dung quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đưa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Không phải đến lúc này, du lịch nông thôn ở Tuyên Quang mới được quan tâm, từ trước đó, các giá trị đặc trưng ở nông thôn đã được ngành du lịch tỉnh khai thác để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch địa phương.

Những cánh đồng hoa cải ở Hồng Thái (Na Hang) hấp dẫn khách du lịch.

Từ tài nguyên sẵn có

Những ngôi làng “thuần” đồng bào dân tộc thiểu số, với những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn đang được nhiều địa phương xây dựng trở thành điểm tham quan cho du khách phương xa.

Làng văn hóa dân tộc Cao Lan ở các thôn 12, 13, 14, 15, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) là một nơi như vậy.

Nằm ven thành phố, nhưng ở Kim Phú, những nếp nhà sàn truyền thống, tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực... đặc trưng trở thành “tài nguyên” để khai thác, phát triển du lịch. Từ năm 2016, ở xã cũng đã có 5 hộ ở thôn 15 thực hiện mô hình Homestay theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Làng văn hóa Giếng Tanh gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Tuyên Quang”. Các hộ này đã bước đầu được tham gia lớp tập huấn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và cơ bản biết cách làm dịch vụ du lịch cộng đồng. Một số hộ đã sắm sửa, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, nhà vệ sinh đảm bảo điều kiện để du khách lưu trú, với số lượng khách khoảng 20 người/hộ.

Bà Hoàng Thị Yên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan thôn 14 bảo, những nét văn hóa xưa cũ giờ gần như đã được phục dựng trọn vẹn. Từ những nghi lễ ở đình Làng, đến các món ăn truyền thống như bún Cao Lan, bánh chim gâu, bánh bố mẹ, bánh gai... rồi làn điệu Sình ca. Những gia đình mở dịch vụ Homestay cũng thường mời các thành viên trong các câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa các thôn về cùng biểu diễn mỗi khi có khách đến lưu trú.

Cũng như Kim Phú, thôn Nà Khá, xã Năng Khả cũng đang được huyện Na Hang xây dựng thành Làng văn hóa du lịch, cùng với thôn Khau Tràng của xã Hồng Thái. Trưởng thôn Nà Khá Lương Thị Linh cho biết, Nà Khá gần như vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Đặc biệt, rất nhiều du khách lựa chọn trải nghiệm các hoạt động với chủ nhà, như câu cá, làm bánh dày, nấu xôi ngũ sắc... của người Tày. Các làn điệu Then, Cọi của người Tày cũng được lưu giữ và phát triển thông qua các Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính. Khách được thưởng thức âm nhạc dân tộc độc đáo, đồng bào giữ được hồn cốt dân tộc và có thêm một nguồn thu nhập ổn định. Có thể thấy, di sản chỉ thực sự phát huy được giá trị khi “sống” trong đời sống của đồng bào.

Xu thế tất yếu sau đại dịch

Homestay Hoàng Anh Tuấn, tổ dân phố 7, thị trấn Na Hang mới đưa vào khai thác từ đầu năm nay, nhưng khách đã “biết mặt đặt tên”.

Không nằm ở vị trí đắc địa là sát các điểm du lịch nổi tiếng, cũng không nằm ở vị trí trung tâm khi tổ dân phố 7 được coi như là “đất cuối” của thị trấn Na Hang, Homestay Hoàng Anh Tuấn chọn cách thu hút và giữ chân khách lưu trú nhờ chất lượng dịch vụ.

Homestay Hoàng Anh Tuấn, tổ 7, thị trấn Na Hang là địa điểm mới được nhiều khách du lịch lựa chọn.

Chị Hoàng Thúy Hường, chủ Homestay cho biết, lợi thế của gia đình là có mặt bằng rộng rãi, gia đình chị cũng đã có người thân mở Homestay ở Thượng Lâm (Lâm Bình) nên mọi kinh nghiệm xây dựng một homestay độc đáo, thu hút khách du lịch được chị vừa học hỏi, vừa áp dụng ngay. Ngoài nhà ở cho khoảng 40 - 50 khách lưu trú, chị Hoàng Thúy Hường xây dựng bể bơi ngay trước nhà. Sau nhà gia đình trồng bưởi, quây thành khu rộng để nuôi gà, thả lợn đen... để khách có thêm trải nghiệm. 

Theo đánh giá của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khu vực nông thôn Tuyên Quang với những tài nguyên du lịch đặc sắc như cảnh quan sinh thái, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, đặc trưng canh tác nông nghiệp, kiến trúc nhà ở, trang phục, làng nghề truyền thống, giá trị ẩm thực… là những giá trị cốt lõi để hình thành điểm đến và cung ứng dịch vụ, hàng hóa cho phát triển du lịch.

Tuy nhiên, làm sao để thực tế cho thấy ở các địa phương, các mô hình du lịch nông thôn hiện nay vẫn nhỏ lẻ, tự phát. Quay trở lại thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang). Bà Hoàng Thị Vinh, chủ Homestay Anh Thư là một trong những hộ đầu tiên chỉnh trang khuôn viên, cải tạo lại nhà cửa để mở Homestay đón khách du lịch. Bà Vinh cho biết, những ngày cao điểm, số lượng khách đặt lịch đông lắm mà vì sức chứa của gia đình không đủ đáp ứng nên không dám nhận. Mỗi tuần 2-3 đoàn, mỗi đoàn chừng 20 - 30 người bà Vinh mới dám “chốt”. Muốn xây dựng thêm nhà để có thể phục vụ được đông khách hơn, nhưng số vốn vay của ngân hàng để cải tạo chỉnh trang nhà cửa trước đó vẫn chưa hoàn trả hết, nên bà có phần e dè.

Vốn là khó khăn của không chỉ bà Vinh, mà của nhiều hộ gia đình ở Nà Khá. Theo Trưởng thôn Lương Thị Linh, ở Nà Khá hiện có khoảng chục hộ gia đình làm Homestay. Có nhiều hộ gia đình muốn cải tạo nhà cửa để theo xu thế phát triển du lịch cộng đồng, nhưng phần vốn hạn chế cũng đang là rào cản.

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã đặt mục tiêu, mỗi xã tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, phải lựa chọn xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới, làng văn hóa, mô hình kinh tế trang trại, gia trại... gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nông thôn với phát triển du lịch. Vì thế, ngoài các nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của từng địa phương, sẽ có thêm những chính sách, nguồn vốn hỗ trợ để du lịch nông thôn thực sự trở thành điểm nhấn trong bức tranh du lịch Tuyên Quang.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục