Linh thiêng nghi lễ các dân tộc

- Phong tục, tập quán là hồn cốt của mỗi dân tộc. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những phong tục đẹp vẫn được gìn giữ trong đời sống đồng bào dân tộc, nhất là vào dịp Tết đến, xuân về.

Một số vật dụng dùng trong thực hành nghi lễ của đồng bào dân tộc.

Nghi lễ cầu làng của người Dao quần trắng

Nghi lễ cầu làng của người Dao Quần trắng thường diễn ra 3 lần trong năm. Ở mỗi thời điểm, nghi lễ mang một ý nghĩa riêng. Ngày 25 tháng Chạp là lễ đóng cửa làng. Đây là nghi lễ lớn nhất trong năm và mọi người trong bản phải thực hiện nghiêm những điều cấm kỵ. Người trong làng không được mang bất cứ đồ vật gì ra khỏi làng. Người ngoài vào làng cũng không được chở bất cứ thứ gì ra khỏi cổng làng. Nếu có việc bất khả kháng phải mang đồ ra khỏi làng, gia chủ gấp rút báo cáo chủ làng. Chủ làng sẽ dâng lễ, thắp hương báo cáo lý do với các vị thần linh. Theo quan niệm của đồng bào Dao Quần trắng, việc kiêng kỵ này có nhiều ý nghĩa. Bởi đây là thời gian bà con đang đón Tết Nguyên đán cổ truyền. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới vô cùng linh thiêng. Trong khoảng thời gian này nếu ai mang đồ vật ra khỏi làng tức là mang lộc của cả làng đi. Cả năm đó, làng sẽ mất lộc, cuộc sống dân bản từ đó mà kém may mắn, dân làng lo sợ điều xui xẻo kéo đến.

Lễ đóng cửa làng sẽ kéo dài đến ngày 2/2 âm lịch năm sau. Vào ngày này, dân bản sẽ tổ chức lễ mở cửa làng sau hơn một tháng thực hiện nghi lễ đóng cửa làng. Sau nghi lễ mở cửa làng là nghi lễ cầu mùa diễn ra vào 6/6 âm lịch. Đây là vụ sản xuất chính trong năm của người Dao Quần trắng ở làng Dùm. Do đó, bà con mong ước thời tiết thuận hòa, tránh được những rủi ro như mưa lũ, hạn hán, sâu bọ phá hoại mùa màng, ngô lúa bội thu.

Tục dán giấy đỏ của người Nùng

Theo thông lệ, để tiễn năm cũ, đón năm mới, mỗi gia đình dân tộc Nùng trên địa bàn tỉnh lại trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ; dán giấy đỏ vào các đồ vật, cây cối, chuồng trại vật nuôi với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu năm mới gia đình bình an, vạn vật sinh sôi và phát triển.

Tục dán giấy đỏ đón Tết của người Nùng.

Ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình người Nùng dậy từ rất sớm để trang hoàng nhà cửa. Mỗi người một việc, người lo gỡ bỏ giấy cũ, người lau rửa bàn thờ tổ tiên, người chuẩn bị giấy mới… Những tờ giấy đỏ năm cũ sau khi được gỡ ra, người dân sẽ đem đốt, với quan niệm xóa đi những điều không may mắn trong năm vừa qua.

Sau khi bàn thờ được lau rửa sạch sẽ, chủ nhà sẽ dán cẩn thận tờ giấy đỏ mới lên bàn thờ tổ tiên. Tục lệ đó như một thói quen ăn sâu vào tiềm thức của mỗi gia đình, thể hiện một phong tục đẹp của người Nùng xứ Tuyên.

Bên cạnh việc trang hoàng cho bàn thờ tổ tiên, người Nùng còn dán giấy đỏ lên bàn thờ mụ, bàn thờ thần bếp, bàn thờ “phi slương” (ma lang thang ngoài sân), trên cửa ra vào, cửa sổ… Việc dán giấy đỏ như vậy là bởi người xưa quan niệm và tin tưởng rằng màu đỏ là màu của sự may mắn, cầu cho năm mới gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi”.

Sợi chỉ đỏ cầu may của người Tày

Đến các bản làng vùng cao, nhất là vào dịp lễ, Tết, nếu để ý sẽ thấy trên tay một số người già, trẻ em đeo một sợi dây chỉ hoặc sợi len màu đỏ. Đây là tục lệ có từ lâu đời trong thế giới tinh thần của người Tày xứ Tuyên, là nghi thức cầu an đến nay vẫn được lưu giữ. Nghi lễ này thường được thực hiện trong lễ cầu an, chúc thọ, mừng thọ, đầy tháng, giải hạn…

Nghi lễ cầu an của người Tày.

Khi làm lễ, thầy cúng đặt đoạn chỉ đỏ lên bàn thờ rồi cầu nguyện phù trợ cho người xin sợi chỉ giữ được vía luôn mạnh khỏe, bình an. Làm lễ xong, chỉ được mang xuống buộc vào tay . Theo thông lệ, nếu là phụ nữ nên buộc dây vào tay phải từ 9 sợi chỉ tết lại (tượng trưng 9 vía), nếu là đàn ông sẽ  buộc 7 sợi chỉ vào tay trái (tượng trưng 7 vía). Theo các vị cao niên, tục buộc chỉ tay xuất phát từ cuộc sống đời thường, sinh hoạt, lao động và sản xuất, con người luôn phải gồng mình chống chọi với quy luật sinh tồn của thiên nhiên.

Sợi chỉ đỏ như lá bùa hộ mệnh bảo vệ mỗi người, mang đến những điều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống. Khi buộc chỉ cổ tay, người được buộc cũng phải tuân thủ một số điều kiêng kị như: Không được tự ý tháo dây buộc chỉ tay trừ khi chỉ tự đứt; sau lễ buộc chỉ tay phải đeo trên tay ít nhất 2 tuần đến 1 tháng…

Tục buộc chỉ cổ tay mang đậm nét văn hóa của đồng bào Tày hiện vẫn được duy trì trong đời sống tinh thần của người dân g

Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục