Thực thi công vụ: Nhìn từ cơ sở

- Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XIX, một số những tồn tại hạn chế liên quan đến trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ cấp cơ sở, nhất là vai trò của chủ tịch UBND xã được đại biểu HĐND tỉnh thẳng thắn chỉ rõ. Và ngay sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên bế mạc kỳ họp, các xã, phường, thị trấn đã đồng loạt thực hiện hàng loạt các giải pháp để phát huy vai trò chức trách nhiệm vụ của người đứng đầu.

Không đùn đẩy việc khó

Vấn đề đùn đẩy trách nhiệm, không làm hết chức trách nhiệm vụ của người đứng đầu cấp cơ sở được chỉ rõ trong kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XIX. Trong hoạt động tiếp công dân, nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của cấp huyện, cấp xã nhưng lại đùn đẩy lên cấp tỉnh. Nhiều vấn đề xảy ra trên địa bàn như xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, tảo hôn, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt thấp… đều thuộc trách nhiệm xử lý công việc của cấp xã. Trước những tồn tại hạn chế được đại biểu HĐND tỉnh nêu ra, các xã, phường, thị trấn đã ngay lập tức chấn chỉnh lại lề lối làm việc, phát huy trách nhiệm thực thi công vu của người đứng đầu.

Nói về trách nhiệm của người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Quốc Vinh, Bí thư Đảng ủy phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Trên địa bàn xã đã xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai khiến cán bộ, công chức xã bị kỷ luật. Điều này cho thấy, đất đai là vấn đề phức tạp trên địa bàn. Với vai trò của người đứng đầu, năm 2023 ông đã đăng ký việc đột phá về công tác lãnh đạo, quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn. Ông cùng cấp ủy phường lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn phường đã có 3 trường hợp vi phạm về đất đai bị xử lý; 1 trường hợp xây dựng vi phạm đất hành lang an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện cưỡng chế giải tỏa. Phường cũng tuyên truyền vận động được 225 trường hợp tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.

Lãnh đạo xã Tứ Quận (Yên Sơn) tuyên truyền đến nhân dân về chủ trương xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Ông Vinh giãi bày: Mặc dù phường đã kiên quyết xử lý song tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi bán hàng vẫn xảy ra. Một số trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trước thời điểm năm 2022 vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo ông Vinh, vấn đề quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo được sự đồng thuận từ nhân dân. Muốn vậy mọi việc phải công khai, dân chủ, đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Cán bộ không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, dám đảm đương việc khó.

Thực thi công vụ, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tiên phong đảm nhận việc khó, việc mới, đó cũng là vấn đề mà đồng chí Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận (Yên Sơn) luôn thực hiện. Vì thế, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, ngay sau khi có chủ trương xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đồng chí Tiệp đã đăng ký việc đột phá là tuyên truyền giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua địa bàn xã Tứ Quận.

Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn xã là 4,6 km. Bước đầu rà soát có 130 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng. Trong cuộc gặp gỡ với các hộ thuộc diện phải giải phóng mặt bằng, bà Đào Thị Nhuần, thôn Làng Nhãn cho biết: Toàn bộ diện tích đất ở và hoa màu của gia đình bà đều thuộc diện phải giải phóng mặt bằng. Trước đó, khi xã mở rộng tuyến đường liên thôn, bà cũng không nhớ rõ mình đã hiến bao nhiêu đất, chỉ biết rằng, đường mở đến đâu, gia đình bà, rồi gia đình các con bà có nhà bám mặt đường đều hiến đất. Giờ Nhà nước mở tuyến cao tốc, bà rất vui và đồng tình ủng hộ. Hơn nữa, những kiến nghị của gia đình bà và các hộ dân đều được cán bộ xã lắng nghe, tiếp thu. Điều đó khiến bà hoàn toàn yên tâm và tin tưởng cán bộ, tin tưởng chính sách của Nhà nước. 

Dẫn chúng tôi tham quan một số tuyến đường đang xây dựng trên địa bàn, ông Tiệp chia sẻ: Những năm qua trên địa bàn xã thực hiện xây dựng nhiều công trình liên quan đến việc giải phóng mặt bằng. Để nhân dân đồng thuận thì trách nhiệm của người đứng đầu trong tuyên truyền vận động là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, những năm qua trên địa bàn xã thực hiện xây dựng nhiều công trình, số lượng hộ dân phải giải phóng mặt bằng không nhỏ nhưng xã không có đơn thư khiếu nại vượt cấp.

Lật giở cuốn sổ tiếp công dân, đồng chí Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết: Theo quy định thì xã tiếp công dân vào ngày thứ Năm hàng tuần, nhưng với ông, công dân có việc thì chủ tịch sẵn sàng tiếp, bất kể ngày giờ nào. Đó là cách để người dân tin tưởng. Nói như bà Đào Thị Nhuần, thôn Làng Nhãn: Cán bộ ở đây đến với dân suốt. Thậm chí, nhà bà có việc chỉ cần gọi điện là cán bộ có mặt ngay. Còn ông Lê Đình Thân, thôn Đồng Cầu khẳng định: Cứ có việc gì cần cán bộ xã giải quyết thì ông đều được hướng dẫn tận tình. Vừa qua, gia đình ông đã di dời nhà cửa để xây dựng tuyến đường mới. Các thủ tục đều nhanh gọn. Hiện ngôi nhà mới của ông đã sắp hoàn thành.

Nhìn thẳng vào sự thật

Theo báo cáo giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh từ kỳ họp thứ ba đến kỳ họp thứ năm, có tổng số 118 kiến nghị của cử tri, đến nay có 33 kiến nghị được giải quyết, đạt tỷ lệ 28%. Nguyên nhân tỷ lệ giải quyết các kiến nghị đạt thấp có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, yếu tố chủ quan được đoàn giám sát chỉ rõ đều liên quan đến trách nhiệm thực thi công vụ: Một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất, cấp quyền sử dụng đất được nhiều cử tri quan tâm; cử tri đã kiến nghị nhiều năm, nhiều lần nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm.

Lãnh đạo phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) kiểm tra việc xây dựng công trình trên địa bàn theo Nghị quyết của HĐND thành phố.

Đơn cử như cử tri xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa đề nghị "Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đất cho các hộ dân đang ở tại khu vực mỏ Ăng-ti-mon Đầm Hồng". Nội dung này cử tri đã kiến nghị từ sau kỳ họp thứ mười (6/2020) HĐND tỉnh khóa XVIII và tiếp tục kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ hai (7/2021), trước kỳ họp thứ năm (6/2022) HĐND tỉnh khóa XIX. Sau 3 năm kiến nghị tại 3 lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, nội dung cử tri kiến nghị chưa được giải quyết mặc dù hiện nay khu vực đất các hộ gia đình sử dụng được quy hoạch theo hiện trạng là đất ở, phù hợp với mục đích sử dụng đất cử tri đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc chậm giải quyết kiến nghị trên trách nhiệm thuộc về nhiều cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện liên quan, trong đó có UBND xã Ngọc Hội.

Hay những tồn tại liên quan đến trách nhiệm thực thi công vụ ở cấp cơ sở như vấn đề tảo hôn. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh,  giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 249 cặp vợ chồng tảo hôn chiếm 3,1%/tổng số cặp kết hôn; năm 2021 chiếm 3,24%; 6 tháng đầu năm 2023 là 3,18%. Kết quả trên chưa đạt mục tiêu Đề án 498 Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023: xã Xuân Lập (Lâm Bình) có 4 cặp vợ chồng tảo hôn; xã Yên Lâm (Hàm Yên) có 2 cặp vợ chồng tảo hôn; xã Trung Minh (Yên Sơn) có 2 cặp vợ chồng tảo hôn; xã Hùng Lợi (Yên Sơn) có 5 cặp vợ chồng tảo hôn.

Đó còn là con số đáng phải suy ngẫm liên quan đến vấn đề trách nhiệm thực thi công vụ khi để xảy ra nhiều vụ việc trong 6 tháng đầu năm đã được đại biểu HĐND tỉnh chỉ rõ tại kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XIX. Có 24/45 đối tượng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật (tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Toàn tỉnh có gần 1.500 vụ ly hôn, tăng hơn 500 vụ so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng hầu như không đạt kế hoạch và đạt tỷ lệ rất thấp, trong đó tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh trước 24h đạt 39,1%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 9,7%; trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin đạt 41,7%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 11%.

Phát huy vai trò người đứng đầu

Liên quan đến trách nhiệm thực thi công vụ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Tại phiên họp thứ 4 (ngày 19-4) của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo, đã yêu cầu chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Loạt động thái này cho thấy Chính phủ đang quyết liệt "chỉnh đốn" các bộ, ngành, địa phương, nghiêm khắc xử lý những cán bộ, công chức "ngồi im", lảng trách trách nhiệm thực thi công vụ.

Lãnh đạo xã Sơn Phú (Na Hang) kiểm tra, nắm tình hình việc giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường liên xã.

Ở tỉnh ta, việc xử lý cán bộ vi phạm trong thực thi công vụ được thực hiện quyết liệt. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh, từ tháng 6/2022 đến nay, các cơ quan thanh tra thực hiện 377 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi trên 14 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm 10 tập thể, 161 cá nhân có sai phạm. Khởi tố 16 vụ án/36 bị can về các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ. Trong 36 bị can có 26 cán bộ cấp xã. Cụ thể, vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ xảy ra tại xã Yên Hoa, Na Hang làm thất thoát trên 1,3 tỷ đồng. Hiện vụ án đang được điều tra. Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại xã Tân An (Chiêm Hóa) với số tiền tham ô trên 74 triệu đồng. Các bị cáo đã bị xử lý theo quy định. Vụ lạm quyền khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND xã Nhữ Khê (Yên Sơn) gây thiệt hại 250 triệu đồng. Vụ án đang được điều tra làm rõ.

Con số này cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điều này tiếp tục được khẳng định trong chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tại phiên bế mạc kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XIX: Chúng ta khắc phục tồn tại hạn chế trên tinh thần vướng đâu gỡ đó. Vướng cơ chế chính sách tháo gỡ cơ chế chính sách. Vướng thủ tục tháo gỡ thủ tục. Vướng về trách nhiệm tháo gỡ về trách nhiệm. Chúng ta không thiếu cán bộ. Chúng ta có thể thay đổi người giữ chức vụ nếu cán bộ không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Đồng chí lưu ý, quyền lực, trách nhiệm của chủ tịch UBND xã lớn. Những vấn đề như tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình… xã cần phải xử lý theo thẩm quyền. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phát huy vai trò của người đứng đầu trong quản lý nhà nước. Nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, kiên quyết thay thế, điều chuyển cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; khen thưởng cán bộ tích cực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm.

Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục