Không né tránh trách nhiệm

- Thực thi công vụ thực chất là thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trong thực tiễn. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định này trong thực tiễn có nơi, có lúc chưa nghiêm túc và chưa được giám sát chặt chẽ. Báo Tuyên Quang trích đăng ý kiến phát biểu của đồng chí Phùng Tiến Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XIX; phỏng vấn lãnh đạo một số ngành, địa phương và người dân về vấn đề này.

Đồng chí Phùng Tiến Quân, 

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh

 

UBND cấp xã cần xử lý nghiêm theo thẩm quyền

Trách nhiệm thực thi công vụ của UBND cấp xã đối với một số nhiệm vụ chưa đảm bảo. Đơn cử như, thông qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh và báo cáo của các ngành liên quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 76 cặp vợ chồng tảo hôn, tăng 46 cặp so với cùng kỳ năm 2022; có 285 trẻ chưa thành niên mang thai, tăng 166 trường hợp so với cùng kỳ. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn ở nhiều nơi trong tỉnh. Theo quy định thì hành vi này thẩm quyền xử lý và xử phạt hành chính thuộc về UBND cấp xã. Thế nhưng đa số các hành vi này ở cơ sở chưa được UBND xã xử lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tảo hôn gia tăng là do chính quyền cấp xã chưa xử lý triệt để hành vi này. Đề nghị, UBND các xã cần xử lý nghiêm các vi phạm về tảo hôn để ngăn chặn kịp thời tình trạng tảo hôn đang có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn tỉnh.


Đồng chí Khánh Thị Xuyến,

Chánh Thanh tra tỉnh

 

Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở

Thời gian qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở cấp cơ sở nhìn chung được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, riêng trong quý II - 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 435 đơn, 435 vụ việc không thuộc thẩm quyền. Tình trạng khiếu nại, tố  cáo vượt cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp; đa phần các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cấp xã, phường, thị trấn cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức chính trị; thực hiện nghiêm túc các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo đúng thời gian, không quá thời hạn quy định, đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo tại địa phương; giải quyết kịp thời, thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật các vụ việc thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh; dự đoán, có biện pháp phòng ngừa các vụ việc phức tạp có thể xảy ra, hạn chế tối đa công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên tỉnh và lên Trung ương. Ngành Thanh tra cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.


Đồng chí Đặng Thị Thanh Hương,

Phó Giám đốc Sở Tư pháp

 

Sát sao trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở

Chủ tịch UBND xã là người đứng đầu và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại UBND, của công chức cấp xã như: Công khai danh mục và quy trình nội bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã; tiếp nhận và giải quyết các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền… Thực tế cho thấy, tại những địa phương có Chủ tịch UBND xã quan tâm sát sao đến việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến thì hiệu quả và tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng, trước hạn sẽ đạt cao; giảm thời gian, chi phí đi lại trong việc gửi hồ sơ, nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của đội ngũ công chức cấp xã. Qua đó, góp phần quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền số. 

Ngược lại, những địa phương Chủ tịch UBND xã thiếu quan tâm đến việc triển khai thực hiện thì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến sẽ thấp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cải cách hành chính và việc thực hiện chuyển đổi số ở cơ sở nói riêng cũng như trên địa bàn toàn tỉnh. 


Đồng chí Lê Quang Toàn, 

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn

 

Vẫn còn đùn đẩy lên cấp huyện

Thực hiện Đề án văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Bộ Nội vụ, UBND huyện đã ban hành văn bản về văn hóa thực hiện công vụ nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong phục vụ nhân dân. Hàng năm, Chủ tịch UBND các xã xây dựng kế hoạch thực hiện tiếp công dân định kỳ nhằm đối thoại, giải quyết kiến nghị, bức xúc của nhân dân, cùng với đó nỗ lực thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số lãnh đạo xã còn chưa quyết liệt, chưa kịp thời trong giải quyết vướng mắc của nhân dân gây nên bức xúc, còn có những vụ việc thuộc thẩm quyền cấp xã đùn đẩy lên cấp huyện. UBND huyện cũng kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp giải quyết, đặc biệt là những vấn đề nóng liên quan đến tài nguyên môi trường, về chế độ, chính sách… Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả tổ hòa giải ở cơ sở, nỗ lực xây dựng nền công vụ hiệu quả để phục vụ nhân dân.


Chị Nguyễn Thị Lương,

thôn Vy Lăng, xã Tam Đa (Sơn Dương)

 

Cán bộ phải tốt thì người dân mới tin tưởng

Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của tỉnh trong việc đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống đường bê tông nông thôn, kênh mương nội đồng… đã tạo thuận lợi để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch của tỉnh… nhiều cán bộ ở địa phương đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Tuy nhiên trong thời gian qua, cũng có những cán bộ đã lợi dụng chức vụ để vụ lợi, không vì dân dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng. Từ trước đến nay, cán bộ phải tốt thì người dân mới tin tưởng và tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương. Người dân luôn mong muốn cán bộ phải luôn gần dân, tích cực đi cơ sở nắm bắt đời sống nhân dân. Từ đó là cầu nối để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đồng thời  tuyên truyền, giải thích rõ những vấn đề người dân chưa hiểu, để từ đó dân biết, dân làm, dân ủng hộ.

Tin cùng chuyên mục