Trọng dụng người tài

- Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là chủ trương đang được các cấp bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện. Nhưng tinh gọn thế nào, tinh giản những ai đang là câu chuyện được rất nhiều người quan tâm tại thời điểm này, nhất là các đơn vị nằm trong danh sách sáp nhập, kết thúc hoạt động.

Giảm nhưng chưa tinh

Chị Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Hành chính, Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường có lẽ là người có nhiều câu chuyện do sắp xếp, tinh gọn nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bỏ phòng Quản lý xây dựng, hợp nhất về Chi cục Thủy lợi, chị Hường từ Trưởng phòng Quản lý xây dựng chuyển về phòng Hành chính của Chi cục Quản lý Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường. Năm 2025, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường tiếp tục sáp nhập với Chi cục Phát triển nông thôn. Chị Hường cho biết, khi mới nghe chủ trương sáp nhập, anh chị em cán bộ cũng tâm tư, nhưng khi được tuyên truyền, lắng nghe các chế độ, chính sách cũng như phương án bố trí công việc cho cán bộ, công chức thì mọi lo lắng cũng được giải tỏa phần nào.

Lãnh đạo huyện Yên Sơn kiểm tra tiến độ thi công khu tái định cư thôn Gò Danh, xã Nhữ Khê (Thực hiện Dự án đường Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn đi qua tỉnh Tuyên Quang).

Tại Tuyên Quang, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sau sắp xếp các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc và trực thuộc Tỉnh ủy, giảm 10 đầu mối bên trong, trong đó có 6 phòng thuộc các cơ quan, 4 phòng thuộc đơn vị sự nghiệp, 11 lãnh đạo cấp phòng thuộc đơn vị sự nghiệp.

Khối chính quyền giảm 40 phòng và tương đương cấp tỉnh, 1 phòng chuyên môn cấp huyện, giảm 190 lãnh đạo, quản lý, 90 đơn vị sự nghiệp công lập, 249 đầu mối phòng và tương đương, giảm 455 lãnh đạo, quản lý.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện bài bản, chặt chẽ, phù  hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Sau sắp xếp, giảm 4 đơn vị hành chính cấp xã, 228 cán bộ, công chức; 895 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Cùng với đó, tỉnh chủ động sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố, qua đó giảm 365 thôn, tổ dân phố, giảm 5.287 người hoạt động không chuyên trách.

Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế chủ yếu vẫn dừng ở những người “ngấp nghé” độ tuổi nghỉ hưu, thông qua các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp.

Trong các cuộc họp Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn thừa nhận: Chủ trương tinh giản biên chế là đúng, nhưng thời gian qua “mới giảm chứ chưa tinh”. Đối tượng ra khỏi biên chế chủ yếu ở người đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thời gian qua vẫn còn hạn chế nhất định. Tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.

“Không để cơ quan nhà nước là vùng trú an toàn”

Theo công bố của Bộ Nội vụ, đợt tinh gọn lần này là đợt tinh gọn lớn nhất, phạm vi ảnh hưởng đông nhất, với khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng. Tất cả bộ, địa phương cũng phải tinh gọn tổ chức bên trong của mình để giảm tối thiểu 15% - 20% đầu mối. Cá biệt, có những đơn vị Chính phủ yêu cầu phải tinh gọn đến 40%.

Chi cục Phát triển nông thôn sẽ sáp nhập cùng với Chi cục Quản lý Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn triển khai các nhiệm vụ).

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ quan điểm: “Không để cơ quan Nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém”; phải làm sao “loại bỏ người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài vào trong nền hành chính công”. Muốn vậy, quá trình tinh gọn bộ máy, tinh giản cán bộ phải tiến hành một cách bài bản, công tâm, khách quan, vô tư, trung thực và minh bạch. Điều này đòi hỏi những cá nhân, tập thể được giao trực tiếp tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp lại bộ máy phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn đặt lợi ích chung của quốc gia - dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, kiên quyết loại bỏ suy nghĩ “chọn người nhà” thay vì “chọn người tài”, mạnh dạn thanh loại những cán bộ không đáp ứng đủ điều kiện ra khỏi bộ máy.

Thực tế, càng tinh giản biên chế thì áp lực công việc với những người làm được việc càng lớn. Đây là nguyên nhân khiến cán bộ, công viên chức rời khu vực công sang tư, tìm môi trường làm việc tốt hơn, có cơ hội thăng tiến và chế độ lương bổng cao hơn.

Đồng chí Tạ Thanh Dũng, Trưởng phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ cho biết: Thực trạng những người có năng lực rời các cơ quan Nhà nước trong thời gian qua đã diễn ra.  Theo số  liệu từ Sở Nội vụ, từ tháng 1-2022 đến tháng 6-2024, ở cấp tỉnh có 52 người (công chức 7, viên chức 45); cấp huyện 75 người (công chức 9, viên chức 66 người) xin nghỉ việc. Nguyên nhân công chức, viên chức thôi việc được lý giải trong các đơn xin thôi việc là do sức khỏe không đảm bảo; do công tác xa nhà, điều kiện đi lại khó khăn, ít có điều kiện chăm sóc gia đình; gia đình chuyển nơi cư trú. Đáng chú ý, nhiều cán bộ công chức, viên chức xin thôi việc do chế độ tiền lương chưa phù hợp, mức thu nhập không đáp ứng  được với nhu cầu thiết yếu cuộc sống; khối lượng công việc cường độ cao, áp lực, kiêm nhiệm nhiều công việc, nhưng chính sách đãi ngộ chưa tương xứng và do muốn thay đổi công việc, thử sức mình trong các lĩnh vực mới.

Cần chính sách đặc biệt

Năm 2023, Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Tuyên Quang, năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND, sau này là Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND sửa đổi, quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau Đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Sau Nghị quyết, giai đoạn 2021-2024, đã có 331 người được hưởng lợi. Trong đó, 232 người được hưởng chính sách thu hút nguồn nhân lực; 97 người được hỗ trợ đào tạo sau đại học; 2 viên chức được hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trong số này có 153 người là người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, việc giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đang khiến nhiều đơn vị đau đầu. Như tại Trường Đại học Tân Trào, nỗi lo “chảy máu chất xám” đang thực sự hiện diện. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị này thu hút được 1 Tiến sĩ theo Nghị quyết 12, nhưng cùng khoảng thời gian này, có 9 tiến sĩ và 1 giảng viên chuyên khoa 2  chuyển việc về các cơ quan trung ương hoặc khối tư nhân.

Khoa Y dược trường Đại học Tân Trào đang khó khăn trong việc thu hút giảng viên có trình độ chuyên môn cao.

Đặc biệt, khối ngành Y dược - một trong những khối ngành được mở mới sau khi tiếp nhận chức năng từ Trường Trung cấp Y cũng đang rất khó khăn trong việc thu hút giảng viên chất lượng cao. Những giảng viên có trình độ, chuyên môn Tiến sĩ, Thạc sĩ chuyên khoa 2, chỉ một thời gian ngắn khi về trường, đều xin nghỉ việc và chuyển ra làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Theo Đề án vị trí việc làm, Khoa Y dược có 23 giảng viên, nhưng hiện tại mới chỉ có 10 người, trong đó phần lớn là giảng viên từ các bộ môn cơ sở đến giảng dạy, giảng viên đúng chuyên ngành là rất ít. Để thu hút thêm giảng viên chất lượng, có chuyên môn Y dược, Trường Đại học Tân Trào chủ trương thu hút người có trình độ từ Thạc sĩ, thay vì từ Tiến sĩ như quy định. Thế nhưng, đến thời điểm này, kết quả vẫn là… 0. Trường đang đề nghị được tiếp nhận 1 Tiến sĩ khối ngành Y dược về khoa, nhưng vẫn “phập phồng” với việc giữ được chân tiến sĩ ở lại trường lâu dài.

Ngay sau chủ trương tinh gọn bộ máy, Chính phủ ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây được xem là “cú huých”, là đòn bẩy về chế độ đãi ngộ, tiền lương… để kéo được người tài về khối cơ quan nhà nước.

Đồng chí Phạm Ninh Thái, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho rằng: Nghị định 179 thực sự là một cú huých đối với tỉnh nói chung và ngành khoa học công nghệ của tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, ngoài chính sách thu hút, cần có những chính sách riêng biệt về việc đào tạo và rèn luyện từ thực tế công việc, vì trên thực tế, đã có tình trạng nhiều sinh viên ra trường có bằng “đỏ”, nhưng khi va chạm công việc thực tế lại khá khó khăn, khi có độ vênh nhất định giữa kiến thức được đào tạo với thực tế cuộc sống.

Chính vì thế, cần đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Để làm sao “mài giũa” được những viên ngọc thô thành ngọc sáng… Có nguồn nhân lực chất lượng từ đầu vào, phải đào tạo, rèn luyện để nguồn nhân lực ấy phát huy được chất xám, hình thành kỹ năng trong công việc và đem lại  kết quả vượt bậc, xứng với kỳ vọng.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục