Trò chơi dân gian xứ Tuyên

- Từ xa xưa, trong đời sống sinh hoạt, người Việt đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian. Hiện nay trên địa bàn tỉnh mỗi dân tộc, địa phương đều có những trò chơi mang nét đặc trưng riêng. Những trò chơi này không chỉ phản ánh nét đẹp văn hóa mà còn là phương tiện giao lưu, giải trí, nâng cao sức mạnh đoàn kết tập thể, đời sống tinh thần của cộng đồng, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện tiêu biểu.

Phong phú các trò chơi

Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo ra bức tranh về trò chơi dân gian phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc, địa phương. Trò chơi dân gian không chỉ là hình thức giải trí mà còn là phương tiện giáo dục, gắn kết cộng đồng, bảo tồn các giá trị truyền thống qua các thế hệ. Mỗi trò chơi dân gian mang trong mình một câu chuyện, một phong tục, một khía cạnh của đời sống mà qua đó, con người hiểu thêm về bản sắc văn hóa của dân tộc.

Người dân, du khách xem đấu vật tại Lễ hội đình Thọ Vực, Sơn Dương.

Trò chơi dân gian trên địa bàn tỉnh rất phong phú về thể loại và hình thức. Từ các trò chơi vận động đến các trò chơi trí tuệ, trò chơi sử dụng đồ vật đến các trò chơi không cần dụng cụ, tất cả đều phản ánh sự sáng tạo vô tận của người dân trong việc tạo ra không gian vui chơi đầy tính gắn kết. Những trò chơi vận động như “nhảy dây”, “bịt mắt bắt dê”, “kéo co” hay “đánh đáo” không chỉ giúp mọi người rèn luyện thể lực mà còn tạo cơ hội để các thành viên trong cộng đồng giao lưu, làm quen, hiểu biết nhau hơn. Những trò chơi này thường xuyên được tổ chức trong các lễ hội, ngày Tết, hay trong những dịp sum vầy gia đình, là nơi để mọi người quây quần vui vẻ. Bên cạnh đó, các trò chơi trí tuệ như “cờ người” hay “ô ăn quan” lại là những thử thách về sự khéo léo, sự thông minh và trí tuệ. Những trò chơi này không chỉ có giá trị giải trí mà còn kích thích tư duy logic, phát triển khả năng quan sát và chiến lược.

Trò chơi dân gian không chỉ mang lại niềm vui mà còn là phương tiện giáo dục hữu ích. Mỗi trò chơi đều chứa đựng những bài học về đạo lý, kỹ năng sống và tình đoàn kết. Chẳng hạn, trong trò chơi “kéo co”, người chơi học được sự hợp tác và tinh thần đồng đội, trong khi “nhảy dây” giúp trẻ em rèn luyện khả năng tập trung và khéo léo. Nhiều trò chơi còn gắn liền với các nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng truyền thống, như “ném còn” của người Tày trong dịp Tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Thúy Dung, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, khoảng 20 năm trước tuổi thơ của chị gắn liền với các trò chơi dân gian thịnh hành như “nhẩy dây”, “ô ăn quan”, “trồng nụ trồng hoa”, “nhảy lò cò”, “chơi chuyền”. Chị kể, ra trường học, về nhà hay đi chăn trâu đều có thể chơi được. Giờ nhớ lại chị Dung vẫn cảm thấy đầy ắp kỷ niệm vui.

Bà Nguyễn Thúy Hoa, Phó Phòng Quản lý Di sản văn hóa - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, trong 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh, có môn kéo co là di sản thuộc loại hình tập quán và tín ngưỡng được công nhận từ năm 2015. Hiện nay tại Lễ hội Đền Hạ - Thượng - Ỷ La hàng năm, Ban tổ chức thường thi đấu kéo co. Đây là một trò chơi dân gian mang tính tập thể, các đội sẽ phải lựa chọn chất lượng, số lượng vận động viên theo quy định. Các đội vừa dùng sức kéo, vừa phải có phương pháp kéo tối ưu, phối hợp nhịp nhàng mới có thể giành chiến thắng. Trò chơi được cổ động viên của hai bên hò hét, khích lệ, tạo không khí quyết liệt, kịch tính, vui tươi.

Trò chơi đánh pam của đồng bào Tày.

Bảo tồn để phát triển du lịch

Ngày nay xã hội càng phát triển, những hoạt động giải trí gắn liền với điện thoại và Internet, nguy cơ mai một trò chơi dân gian trong cộng đồng là có thật. Mặc dù không còn “thịnh hành” như xưa, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán các trò chơi dân gian lại có cơ hội tái xuất. Tại Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa và Lâm Bình, ngoài màn tung còn mang tính tâm linh, tín ngưỡng, tung còn cũng được hiểu như một trò chơi mà ở đó con người thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và may mắn. Trong lễ hội xuất hiện nhiều trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, đánh đu, đánh pam, đánh yến, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, thu hút đông đảo người chơi, người xem.

Ở Lễ hội Động Tiên - Chợ quê huyện Hàm Yên thì có màn chọi dê, đi thăng bằng trên cầu tre, bịt mắt đập niêu... Ai đi hội cũng muốn tham gia, vừa thể hiện khả năng của mình, vừa vui chơi có thưởng. Tại Lễ hội đình Thọ Vực (Sơn Dương) thì người ta mê đấu vật và xem đấu vật. Đây là môn thể thao cổ truyền nhưng cũng là một trò chơi dân gian trong cộng đồng. Thực tế cho thấy ở lễ hội nào càng có nhiều trò chơi dân gian truyền thống, lễ hội đó càng đông, càng vui, càng hấp dẫn.

Trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu tại Lễ hội Động Tiên - Chợ quê Hàm Yên.

Mấy năm gần đây nhiều địa phương nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của trò chơi dân gian trong phát triển du lịch cộng đồng. Như xã Năng Khả (Na Hang) đã có sáng kiến tổ chức Hội thi bắt cá bằng tay, thu hút hàng vạn người trong khu vực tham gia. Xã trích quỹ mua cá thả vào ao, đánh dấu những con cá to, nếu ai bắt được sẽ có thưởng. Từ khi tổ chức tới nay, lễ hội sau thường đông hơn lễ hội trước, cho thấy Hội thi bắt cá bằng tay có tính độc đáo, hấp dẫn Nhân dân, du khách, các nhiếp ảnh gia.

Mới đây xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) tổ chức Cuộc thi đánh cù (tù lu) của dân tộc Mông. Cuộc thi quy tụ 30 vận động viên trong vùng tham gia. Tù lu hấp dẫn người chơi bởi cách chơi khá đơn giản. Trên một bãi đất rộng, bằng phẳng, từng thành viên mỗi đội thả quay để cho đội khác ném quay vào, nếu trúng vào con quay của đối thủ mà con quay của mình vẫn quay tít thì được tính điểm. Tuy nhiên, để có thể thắng đối thủ, người chơi cần có sự khéo léo, độ chính xác cao và sự điêu luyện của đôi tay. Ở lễ hội Gầu Tào của người Mông xã Yên Lâm (Hàm Yên), trò chơi tù lu thu hút nhiều đội trong xã tham dự, thi đấu sôi nổi, làm cho lễ hội có bản sắc riêng.

Ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh khẳng định, muốn phát triển du lịch cần phải bảo tồn, phát huy các trò chơi dân gian. Vừa qua đơn vị mới tổ chức trò chơi dân gian úp cá bằng nơm tại ao làng thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Bước đầu cho thấy du khách rất hứng thú với trò chơi dân dã, hấp dẫn này. Ngoài được trải nghiệm bắt cá bằng nơm, du khách còn có thể tham gia chế biến, thưởng thức ẩm thực các món từ cá mang hương vị địa phương.

Kéo co là trò chơi mang tính tập thể được nhiều lứa tuổi yêu thích.      

Theo ông Nguyễn Phi Khanh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, một trong những phương pháp hiệu quả nhất để bảo tồn trò chơi dân gian là đưa vào trường học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để các em học sinh trực tiếp tham gia và trải nghiệm. Ngoài ra trong các lễ hội của tỉnh, huyện, xã là dịp để các trò chơi truyền thống được tái hiện và phổ biến rộng rãi. Việc tổ chức các lễ hội cần chú ý lồng ghép nhiều trò chơi dân gian có ý nghĩa, mang bản sắc địa phương. Bên cạnh đó thông qua các nghệ nhân, người cao tuổi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về trò chơi dân gian với thế hệ trẻ. Việc này sẽ giúp các trò chơi không chỉ được lưu giữ mà còn được phát triển và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Ngoài ra phải gắn trò chơi dân gian với bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, giúp nó tồn tại và sống được trong cộng đồng. Tổ chức các câu lạc bộ có thể tổ chức các buổi giao lưu, thi đấu trò chơi dân gian trong khu dân cư, hoặc tại các địa điểm công cộng, giúp mọi người, từ trẻ em đến người lớn, cùng tham gia và gìn giữ những trò chơi này.

Trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng các phương tiện truyền thông và công nghệ hiện đại để bảo tồn trò chơi dân gian là rất cần thiết. Các trò chơi có thể được ghi lại qua các video, sách điện tử, hoặc tạo thành các ứng dụng điện thoại di động mô phỏng trò chơi truyền thống. Điều này giúp trò chơi dân gian dễ dàng tiếp cận hơn, đặc biệt là với giới trẻ, đồng thời bảo tồn những trò chơi này trong môi trường số. Ngoài ra, các nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook, TikTok cũng có thể trở thành công cụ phổ biến trò chơi dân gian, giúp chúng lan tỏa rộng rãi hơn trong cộng đồng.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục