Ứng phó với bão giá

- Giá xăng dầu liên tục xác lập kỷ lục, kéo theo giá cả của một loạt các mặt hàng tăng theo. Doanh nghiệp gặp khó, người dân cũng buộc phải “thắt lưng buộc bụng” để... sống chung với bão giá. Cùng với điều tiết của Nhà nước, nhiều giải pháp đã được chính người dân và doanh nghiệp chủ động thực hiện.

 Nghịch lý... “càng làm càng lỗ”

Chưa khi nào, giá xăng dầu tăng đến 70% chỉ trong một thời gian ngắn như vừa qua. Xăng dầu tăng, khiến chi phí vận tải hàng hóa tăng thêm ít  nhất 10%, giá xi măng, cát sỏi, sắt thép, gạch... tăng bình quân từ 10 đến 40%.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Hữu Thập cho biết, chưa lúc nào, nghịch lý “càng làm càng lỗ” ám ảnh doanh nghiệp như thời gian này, nhất là các doanh nghiệp xây dựng cơ bản.

Ông Phạm Đình Duy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Real Hải Nam cho biết, thời điểm này hầu như tất cả các mặt hàng đều tăng giá khiến doanh nghiệp xây dựng cơ bản như doanh nghiệp anh gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các công trình hợp đồng theo đơn giá cố định. Khắc phục những khó khăn này, doanh nghiệp tập trung tối ưu hóa tất cả các công đoạn, tính toán giảm hao phí, giảm thời gian luân chuyển, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại... sao cho chi phí sản xuất giảm thấp nhất. Cam kết của doanh nghiệp này là sẽ đảm bảo tiến độ thi công tốt nhất, không để những vấn đề như giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình.

Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của bão giá. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Hữu Thập đánh giá, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện cũng khá chủ động trong việc ứng phó với bão giá. Giải pháp của các doanh nghiệp hiện nay là tiếp tục chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đang từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống. Việc đưa công nghệ mới, quản trị hiện đại vào sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp tận dụng tối đa máy móc, giảm hao phí trong sản xuất.
 (Trong ảnh: Công nhân Công ty May LGG Tuyên Quang sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu).

Than là chi phí lớn nhất trong kết cấu giá thành của các sản phẩm gạch tuynel, chiếm khoảng 30-35% giá thành sản phẩm. Từ cuối năm ngoái đến nửa đầu năm nay, giá than đã tăng từ 1 triệu đồng/tấn lên hơn 1,3 triệu đồng/tấn. Theo Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Viên Châu, hiện đơn vị chưa điều chỉnh giá bán mà vẫn giữ nguyên giá như những năm trước để góp phần bình ổn thị trường và giảm bớt khó khăn cho khách hàng. Giải pháp của doanh nghiệp này là ứng dụng công nghệ sản xuất tiết kiệm từ 1/3-1/4 lượng than so với  các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, tận dụng phế thải của các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn để giảm phụ thuộc vào việc nhập than từ bên ngoài. Tuy nhiên, theo đại diện doanh nghiệp, việc giữ giá bán này chỉ có thể kéo dài từ nay đến cuối năm, nếu như giá các loại nguyên vật liệu không giảm, thì trong năm tiếp theo đơn vị buộc phải tăng giá bán để tránh lỗ.

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tài chính để giữ giá bán sản phẩm. Từ giữa tháng 6 đến nay, cùng với các doanh nghiệp xi-măng trong nước đã thông báo tăng giá bán nhằm duy trì hoạt động, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang - VVMI cũng thông báo tăng giá bán xi măng từ 50.000 - 140.000 đồng/tấn tùy chủng loại kể từ ngày 15-6.

Cái khó ló cái khôn

Giá vật tư nông nghiệp hiện cũng đang tăng kỷ lục. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón đã liên tục tăng cao, đặc biệt từ đầu năm 2022 này, giá phân bón đã lập mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Hiện giá phân bón ở mức hơn 16-18 triệu đồng/tấn tùy loại.

Bà Hoàng Thị Sáu, thôn Đồng Moóng, ở xã Nhân Mục (Hàm Yên) cho hay, gia đình có hơn 4 sào ruộng cấy lúa. Hàng năm, chi phí phân bón cho mỗi vụ khoảng 1,4 triệu đồng, nhưng hiện nay giá phân bón tăng cao, mỗi vụ sẽ phải tốn khoảng 2,5 triệu đồng/vụ. Làm nông nghiệp vất vả, thu nhập thấp, mà các chi phí xăng dầu, phân bón, thuê lao động liên tục tăng cao như hiện nay, người dân không có lãi. Để gia đình có thêm thu nhập, thời điểm này, bà Sáu đã xin đi làm công nhân tại Cụm công nghiệp Tân Thành.

Vườn chè của các thành viên Hợp tác xã Chè xanh Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) sản xuất
 theo tiêu chuẩn hữu cơ, giảm bớt chi phí trong bối cảnh giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết, chi phí cho phân bón chiếm hơn 40% giá trị đầu vào nên sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm nông nghiệp. Giảm đầu tư từ phân bón, vật tư nông nghiệp, nhiều hộ trồng chè đã chủ động tìm kiếm các loại phân bón hữu cơ, tự chế các loại thuốc bảo vệ thực vật... để giảm bớt chi phí sản xuất. Ông Thắng cho biết, gia đình ông tận dụng hết phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi ủ hoai làm phân bón cho cây trồng. Riêng thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ sâu, bệnh hại cũng từ các loại cây gia vị như: gừng, tỏi, ớt, sả. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa giúp sản phẩm của hợp tác xã được giá, được thị trường tiêu dùng khó tính yêu thích hơn.  

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giảm áp lực về giá phân bón tăng cao hiện nay, ngành nông nghiệp tập trung các hướng dẫn nông dân tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật cũng như tích cực chỉ đạo sản xuất các vụ lúa, màu hợp lý, tăng độ màu mỡ cho đất, nâng cao giá trị kinh tế.

Ngoài ra, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu dần phân bón vô cơ cũng là một trong những giải pháp để chuyển đổi sản xuất xanh, sạch, bền vững; tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; giảm giá thành sản xuất nông nghiệp của người dân.

Người dân tìm hiểu kỹ càng thông tin về sản phẩm trước khi quyết định mua sắm tại Siêu thị Tuyên Quang.

Cần sự điều tiết của Nhà nước

Giá đầu vào tăng, mặt bằng lãi suất điều chỉnh tăng, cộng với chính sách tăng lương tối thiểu cho người lao động bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-7... đã khiến chi phí của người dân, doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng.

Trước yêu cầu kiểm soát lạm phát, đồng bộ nhiều giải pháp đã được Chính phủ thực hiện, từ sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý đến việc chủ động giảm thuế giá trị gia tăng trên diện rộng và khẩn trương. Ngành Công Thương cùng các địa phương cũng đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng quan trọng. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tăng cường sử dụng hàng nội địa, sử dụng sản phẩm của nhau, kết nối sản xuất để hạn chế nhập khẩu, tránh phụ thuộc bên ngoài và kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Hữu Thập cho rằng, những chính sách này là cần thiết để đảm bảo “sức khỏe” doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ - lực lượng chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp.

Ngoài việc điều tiết làm sao để giảm giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ như linh hoạt điều chỉnh hợp đồng của những doanh nghiệp ký kết hợp đồng xây dựng từ đơn giá cố định sang đơn giá điều chỉnh trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, sử dụng quỹ bình ổn giá, miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là đồng bộ các chính sách tạo việc làm, kích thích sức mua hàng hóa của người dân để doanh nghiệp có thêm cơ hội đưa hàng hóa ra thị trường, giảm bớt áp lực về nguyên liệu đầu vào.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục