Hòa mình vào “cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

- Công cuộc tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để chống lãng phí triệt để, dành nguồn lực đầu tư cho phát triển đất nước của Đảng ta đang thu hút sự quan tâm lớn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Sự thành công của “cuộc cách mạng” này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thống nhất nhận thức và hành động, hòa mình vào với quyết tâm cao của Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị quán triệt triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Giáo sư Tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm tối ưu hóa nguồn lực và giải quyết triệt để vấn đề lãng phí.

Hiện gần 70% ngân sách Nhà nước để trả lương và chi thường xuyên. Trong khi đó công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm trung gian, giảm đầu mối còn bất cập. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển đất nước. Đảng ta cũng nhận định một trong số những dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay đó là lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy Nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ thiếu năng lực, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, do đó chất lượng, năng suất lao động thấp.

Đảng ta chủ trương chiến lược là tập trung tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, là đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức bộ máy đa ngành, đa lĩnh vực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động.

Tinh gọn bộ máy là cấp bách, nếu được triển khai càng sớm càng tiết kiệm được nguồn lực, càng tránh được lãng phí. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần nêu gương thực hiện. Trong quá trình sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn chắc chắn sẽ động chạm tới lợi ích của nhiều cá nhân. Cán bộ, đảng viên càng phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, thậm chí sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân. Chỉ khi nhận thức được đầy đủ tính cấp bách của tinh gọn bộ máy đối với công cuộc chống lãng phí, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mới hòa mình vào “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy với tinh thần kiên quyết, khẩn trương, không chờ đợi.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục