Nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân thể hiện sự đồng tình cao với quan điểm của Trung ương, Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng thời kỳ vọng những chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống lãng phí. Những tín hiệu tích cực được khởi động từ việc Trung ương thống nhất nhận thức, xác định đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Ðảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
Thực tiễn cho thấy, lãng phí rất phổ biến. Có những biểu hiện của lãng phí có thể dễ dàng nhận thấy hữu hình, nhưng có những biểu hiện lãng phí vô hình rất khó phát hiện ra. Một số các dạng thức của lãng phí, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm…
Lãng phí dù không dễ dàng để nhìn ra những con số gây thiệt hại, nhưng hậu quả của lãng phí để lại rất lớn. Vì vậy, cần tạo dựng ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ mỗi cá nhân, từ việc giản dị nhất như “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”; lan tỏa từ gia đình đến cộng đồng và toàn xã hội. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong việc xây dựng văn hóa tiết kiệm. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thực hành tiết kiệm đi đôi với phòng, chống lãng phí là một trong những nét đẹp văn hóa chính trị, cần được cán bộ, đảng viên nêu gương, tạo lan tỏa trong xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết