Gần nhau để hiểu nhau hơn

- Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt có lúc dường như bị mai một. Các thành viên trong gia đình ít gần nhau và dành thời gian cho nhau hơn. Mọi người ai cũng có công việc, mối quan tâm riêng nên ít chuyện trò, sẻ chia hơn trước.

Có cụ bà cao tuổi phàn nàn rằng, bà ở quê ra thành phố chơi với con cháu. Thế như hầu hết bà phải ở một mình. Các con cả ngày đi làm, đi học, đến tối về nhà có ăn với nhau bữa cơm nhưng cũng rất chóng vánh rồi ai có việc của người ấy. Đó là các ngày trong tuần, còn đến ngày nghỉ cuối tuần, bà mong được quây quần bên con cháu nhưng cũng rất khó khăn. Các con cuối tuần thường gặp gỡ bạn bè, đối tác làm ăn nên có khi đến tối muộn với về. Bà ở nhà cùng các cháu nhưng mỗi cháu đều suốt ngày dán mặt vào máy tính, điện thoại.

Đối với nhiều gia đình, ngay cả các bậc cha mẹ với con cái cũng không mấy khi trò chuyện, hỏi han nhau thường xuyên hàng ngày. Các con hầu hết đều có phòng ngủ riêng, cha mẹ muốn vào phòng phải gõ cửa. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng cách xa nhau. Có gia đình đã xảy ra mâu thuẫn khi con không cho bố mẹ vào phòng riêng của mình khi chưa cho phép.

Có phải cuộc sống ngày càng phát triển, các phương tiện phục vụ cuộc sống ngày càng hiện đại thì các thành viên trong gia đình ngày càng xa cách nhau? Giờ đây, mọi người nói chuyện Online thông qua kênh video của Zalo, Messenger... thậm chí nhiều hơn nói chuyện trực tiếp.

Đã có nhiều tranh cãi về quan niệm con cái có nên cho ngủ riêng từ bé hay không? Có cho con sử dụng điện thoại không? Và những cái đó có phải là nguyên nhân chính dẫn tới xa cách giữa ông bà, cha mẹ và con cái? Dù gì thì muốn hiểu nhau cần phải gần nhau nhiều hơn, cha mẹ gần gũi con cái nhiều hơn sẽ thấu hiểu tâm tư tình cảm của con và con cũng được chia sẻ, được quan tâm yêu thương thường xuyên, kịp thời. Từ đó mới tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, cùng xây đắp gia đình bền chặt, hạnh phúc.

Đức Anh

Tin cùng chuyên mục