Nhận thức được xu hướng già hóa dân số là tất yếu, từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, đặc biệt là hệ thống trợ giúp xã hội, nhằm ứng phó hiệu quả cho vấn đề này. Thay vì chỉ đơn thuần chăm sóc, bảo vệ và trợ giúp người cao tuổi (NCT), hiện nay, các chính sách hướng tới việc hỗ trợ, thúc đẩy nhận thức của NCT về quyền lợi và trách nhiệm của mình, để từ đó giúp họ chủ động và tích cực sống vui, sống khỏe và sống có ích.
Cụ thể, Quyết định số 1336/QĐ-TTg/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025 chỉ rõ, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi. Theo đó, mỗi câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có từ 50 - 70 thành viên, trong đó 70% là NCT, 30% là các đối tượng trẻ tuổi hơn và có điều kiện kinh tế khá giả. Mô hình nhằm thực hiện 2 mục tiêu: Tạo cơ hội cho NCT được cải thiện đời sống, giúp NCT tăng cường vai trò và sự đóng góp của họ trong cải thiện sức khỏe, thu nhập và phát triển ở địa phương.
Nghị định 71/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2000 quy định kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu đối với những người làm công tác nghiên cứu có năng lực (chuyên gia cao cấp, có học vị tiến sĩ, có tài năng được thừa nhận). Nghị định số 141/NĐ-CP/2013 của Chính phủ hướng dẫn Luật Giáo dục đại học về điều kiện, thời gian, nhiệm vụ, thủ tục, trình tự xem xét việc kéo dài và chính sách với giảng viên được kéo dài thời gian làm việc... Những chính sách này đều đánh giá cao năng lực làm việc của NCT có trình độ.
Có thể nói, bằng cách thực hiện linh hoạt chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Gửi phản hồi
In bài viết