Khẳng định vai trò “kép”

- Từ ngàn xưa, những câu ca dao, tục ngữ của Việt Nam ca ngợi giá trị của người phụ nữ trong gia đình vẫn luôn được giữ gìn, trao truyền và phát triển qua nhiều thế hệ, như: “Phúc đức tại mẫu”, “của chồng công vợ”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”...

Gia đình được coi là “tế bào của xã hội” thì người phụ nữ chính là “hạt nhân” của tế bào đó. Thực tiễn cho thấy, để xây dựng một gia đình hạnh phúc, phải bắt đầu từ người phụ nữ. Ảnh hưởng của người phụ nữ không chỉ tác động mà còn quyết định đến hầu hết các mặt trong cuộc sống gia đình.

Ngày nay, quan niệm “đàn ông xây nhà - đàn bà xây tổ ấm” với người Việt đang được nhìn nhận khác hơn một chút. Phụ nữ hiện đại ngày càng được quan tâm, chăm lo phát triển, tạo điều kiện để tham gia trực tiếp toàn bộ các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Phụ nữ đã có vị trí và vai trò ngang bằng với nam giới, được thụ hưởng những thành quả của đời sống xã hội, được tạo cơ hội để phát triển toàn diện và ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Chính vì thế, để hoàn thành sứ mệnh đặc biệt trong việc xây dựng gia đình, người phụ nữ vừa phải tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức trên mọi lĩnh vực; đồng thời phải tự xây dựng cho mình tác phong, phong cách làm việc, lao động khoa học, sáng tạo, linh hoạt; phân bổ thời gian hợp lý cho trọn vẹn cả việc nước lẫn việc nhà.

Những chuẩn mực của người phụ nữ có thể thay đổi theo thời gian, những họ vẫn mãi là người “thắp lửa” và “giữ lửa” cho mái ấm mỗi gia đình; có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc, là hậu phương vững chắc cho chính người chồng và những đứa con.

Tuy nhiên, để gia đình thực sự trở thành tổ ấm vững bền thì không chỉ người phụ nữ, mà mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là người cha, người chồng trong gia đình cần phải biết tôn trọng, thương yêu, quan tâm chia sẻ và cùng nỗ lực dựng xây, vun đắp tình yêu thương.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục