Trong đó có những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã phải áp dụng nhiều chính sách để thích nghi với già hóa dân số. Biến nguy cơ và thách thức thành cơ hội cũng là vấn đề đặt ra khi trong tương lai Việt Nam phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Để “già hóa thành công”, ngay từ bây giờ cần phải xây dựng những chính sách trọng điểm để biến những khó khăn, gánh nặng bởi già hóa dân số thành cơ hội để phát triển kinh tế, khoa học công nghệ cũng như các chính sách an sinh xã hội đối với người già.
Những năm gần đây, Nhật Bản đã triển khai nhiều giải pháp để thích ứng với tốc độ già hóa dân số tăng nhanh. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam cũng đã học tập kinh nghiệm ứng phó với thách thức của già hóa dân số từ Nhật Bản. Việt Nam cũng đã nhìn ra những thách thức cả trước mắt và lâu dài khi già hóa dân số tăng và tương lai sẽ phải đối mặt. Bởi vậy, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đối với người già như các chính sách về chăm sóc sức khỏe, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chính sách vay vốn, nhà ở, tạo việc làm… cho người cao tuổi.
Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến Nhân dân, hiện nay có tới trên 60% người già chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước, phải sống dựa vào nguồn tiết kiệm nếu có, con cái, người thân chu cấp hoặc tiếp tục làm việc với thu nhập thấp. Khoảng 5% người độ tuổi 60 - 80 không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp, không được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung quy định xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội, phù hợp các vùng miền...
Đồng thời Bộ Y tế cũng đề xuất xây dựng thêm các chương trình, dự án đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi bước sang tuổi già, phù hợp với sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường.
Để biến những thách thức của già hóa dân số trong tương lai, Việt Nam cần sớm xây dựng các chương trình, chính sách trọng điểm như hỗ trợ mức sống cho người cao tuổi, cải thiện chất lượng vòng đời của cuộc sống, tạo việc làm và thu nhập cho người cao tuổi, đảm bảo thu nhập hưu trí, giải quyết các vấn đề về y tế, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội đối với người già như một số nước đã làm và đem lại hiệu quả.
Chỉ khi chúng ta chuẩn bị sẵn sàng mọi giải pháp và chủ động thích nghi, ứng phó mới có thể biến những khó khăn, thách thức của tình trạng già hóa dân số thành cơ hội để phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết