Tôn ti trật tự không phải hình thành từ những giáo điều trong sách vở, hay những đòn roi, quát mắng của bố mẹ mà được hình thành từ hành động của mỗi cá nhân. Tuyệt nhiên các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ đều hiểu những quy định trong dòng tộc, ấy là lễ. Người già, trưởng dòng họ... đều giữ đúng lễ để làm mực thước cho người trẻ noi theo. Trong gia đình, các mối quan hệ anh em, vợ chồng, ông bà, cha mẹ con cái đều theo lễ. Điều ấy xuất phát từ đâu?. Đơn giản từ mỗi việc làm được thực hiện trong mỗi nếp nhà. Đó là khi, một gia đình nào trong dòng tộc có việc (dù lớn, nhỏ) thì anh em trong dòng tộc đều chủ động đến giúp đỡ. Không ai đứng ra giao việc nhưng họ tuyệt nhiên biết việc. Những người đàn ông trong nhà sắn quần sắn áo mổ lợn, mổ gà. Và cái hay là đầu bếp chính là đàn ông, còn phụ nữ chỉ phụ giúp những việc như nhặt rau, trình bày mâm cỗ, lau bát, lau đũa, dọn dẹp nhà cửa.
Nếp nhà của người Tày còn thể hiện vẹn tròn trong chữ Hiếu. Để ý tôi thấy, khi nhà có cỗ thì con cháu trong nhà đều dành miếng ngon cho người già. Thậm chí, người trẻ còn biết sở thích của các cụ già như nấu cho cụ một bát canh đắng với lòng gà, hay để dành bát tiết canh... Vào dịp lễ Tết, người được mừng tuổi đầu tiên chính là các cụ già, sau đó mới đến trẻ nhỏ.
Cô dâu mới về nhà chồng, yêu cầu đầu tiên là phải biết quan tâm đến những người thân trong gia đình bằng những việc nhỏ nhất như sáng dậy sớm lấy một chậu nước ấm cho người già (ông bà, bố mẹ) rửa mặt; sau đó đun nước, pha chè rồi chuẩn bị bữa sáng. Không cầu kỳ trong cách chế biến, nhưng người già để ý về cung cách phục vụ hơn.
Kể một vài việc ra để thấy rằng, tại sao mỗi khi về vùng đồng bào dân tộc chúng ta đều cảm nhận anh em trong gia đình rất đoàn kết, gắn bó, mới hiểu cả làng đều là anh em. Đôi khi, tình cảm gia đình bền chặt được xây dựng từ những điều bình dị như thế. Đó là nơi để những người con xa quê mong muốn trở về, để tìm cảm giác ấm cúng, bình yên.
Gửi phản hồi
In bài viết