Chúng tôi vừa có dịp đến thăm Đền thờ Bác Hồ ở ngay trung tâm thành phố Cà Mau và được nghe kể về những câu chuyện cảm động của người dân nơi cực Nam Tổ quốc tưởng nhớ Bác. Khu tưởng niệm Bác Hồ với ngôi nhà sàn theo nguyên mẫu ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội - nơi Bác đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Một khung cảnh thanh bình, không gian thoáng đãng, mát mẻ với rất nhiều cây xanh. Chúng tôi cảm giác như đang đứng trước ngôi nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội. Trước nhà sàn là hồ cá vàng tung tăng bơi lội, hàng râm bụt bao quanh...
Câu chuyện của cô hướng dẫn viên về xây dựng nơi thờ Bác làm chúng tôi vô cùng xúc động: Người dân miền Nam mong mỏi được đón Bác vào thăm khi đất nước thống nhất. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân miền Nam đang diễn ra vô cùng ác liệt. Nghe tin Người mất, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc ở miền Nam, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ tổ chức lễ tang theo nghi thức quốc tang, mà còn tiến hành lập bàn thờ Người tại tư gia để tưởng niệm. Bất chấp bom đạn của quân xâm lược, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, bằng tất cả tấm lòng và sự hy sinh của đồng bào các dân tộc trong vùng, hàng trăm đền thờ đã được dựng lên trên vùng sông nước.
Khi đó, riêng người dân Đất Mũi đã lập 23 đền thờ Bác ở khắp các địa phương trong tỉnh. Trong đó có 8 đền thờ được xây dựng ngay trong năm 1969, khi người dân Cà Mau hay tin Bác qua đời. Khi Bác Hồ mất, dù không có một chủ trương chung nào về việc tiến hành xây dựng các đền thờ, nhưng thật kỳ lạ, người người, nơi nơi ở Cà Mau đều chung lòng, chung sức thực hiện. Đó là tình cảm thiêng liêng, là sự thôi thúc tự thân, để thấy rằng Cà Mau luôn có Bác Hồ trong mọi chặng đường cách mạng.
Ước nguyện gặp Bác không thành, giờ đây người dân Cà Mau và Nhân dân các tỉnh phía Nam đã có nơi để nhớ về Bác. Nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau được khánh thành vào kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Bác (19/5/1890 - 19/5/1995). Công trình không chỉ thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" mà còn là nơi để những người con của quê hương cực Nam của Tổ quốc đến viếng và thể hiện lòng kính yêu vô hạn đối với vị Cha già của dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết