Nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) nhân Ngày quốc tế an toàn Internet đã cho thấy, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia kém văn minh nhất (thứ tự là Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và Việt Nam).
Vì sao lại thế? Microsoft chỉ ra các lĩnh vực người Việt hành xử kém văn minh theo nghiên cứu của họ là quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%). Trên mạng xã hội dễ gặp những chủ tài khoản sẵn sàng dùng từ ngữ thô tục, xúc phạm nặng nề đủ kiểu để bình luận mỗi khi thấy bất đồng. Ấy là chưa kể những hình ảnh phản cảm, statut mang tính lừa đảo, trái thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật… được đăng và chia sẻ.
Lại có người hào phóng với nút thích, yêu thích và những lời chúc mừng trên MXH mà không cần đọc nội dung statut viết gì. Nên mới có chuyện like tin buồn, bình luận “chúc bà mạnh khỏe sống lâu” dù statut đăng ảnh kỷ niệm về bà cụ mất đã lâu. Nên mới có chuyện like và chia sẻ thông tin thất thiệt thiếu kiểm chứng…
Vậy nên, đã có những người trở thành nạn nhân khốn khổ, thậm chí tìm đến cái chết bởi cách hành xử tàn nhẫn trên MXH. Tháng 6 vừa qua, trọng tài bắt chính trận Việt Nam - Indonesia tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á đã bị đông đảo người hâm mộ bóng đá quá khích tấn công trên MXH; khiến mỗi người Việt tử tế đều thấy bất bình và xấu hổ.
Vậy nên, kiên định với mục tiêu làm sạch không gian mạng, Microsot phát động phong trào Thử thách văn minh trực tuyến với 4 hành động chính về cư xử trên MXH.
Việt Nam cũng đã có Luật An ninh mạng, có Bộ quy tắc ứng xử trên MXH với những quy định rất cụ thể cho người dùng.
Mỗi người cần hiểu dùng MXH không phải là một trò chơi, mà cần tuân thủ những quy tắc đã có.
Gửi phản hồi
In bài viết