Không thể sai lâu thành đúng

- Ngôn ngữ vốn có những quy luật riêng, ngoài sự “hợp lí” lại cần đến sự “hợp thói quen” đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng. Một số cách dùng từ chưa đúng, nhưng dùng đã lâu, được mọi người hiểu đúng nghĩa thì mặc nhiên coi là đúng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng vậy.

Ảnh minh họa.

Như dùng từ gôn là một ví dụ. Bấy lâu người Việt ta vẫn hiểu gôn là một môn thể thao. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2020 giải thích: gôn là môn thể thao ngoài trời, người chơi dùng cây gậy dài để đánh quả bóng nhỏ vào chín hay mười tám lỗ trên sân, có tính điểm.

Từ điển Bách khoa trực tuyến Wikipedia định nghĩa gôn (golf) là một môn thể thao mà người chơi sử dụng nhiều loại gậy để đánh bóng vào một lỗ nhỏ trên sân golf sao cho số lần đánh càng ít càng tốt.

Các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng gọi là gôn. Ví dụ: Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn, Nghị định số 2722/VBHN-BKHĐT ngày 12/5/2021 về đầu tư kinh doanh sân gôn...

Tuy nhiên, gần đây lại thấy nhiều người hay gọi môn thể thao này là Gốp. Đài Truyền hình Việt Nam khi đưa tin về môn thể thao này đều dùng từ “gốp”. Ban đầu, nhiều người ngỡ ngàng: hay là có môn thể thao mới. Sau nhìn hình ảnh thì đều hiểu là gôn.
Tìm hiểu thì thấy, về mặt chữ viết, đa số các ngôn ngữ hệ Latin đều thống nhất về cách viết (Anh: golf, Pháp: le golf, Tây Ban Nha: golf, Bồ Đào Nha: golfe, Nga: гольф). Lâu nay, người Việt vẫn đọc theo cách phát âm tiếng Pháp (là “gôn”). Người Nga cũng đọc gần như “gôn” /gol’f/. Còn nếu đọc gốp là cách đọc theo tiếng Anh. 

Thực ra, theo cách viết thì tiếng Pháp và tiếng Anh như nhau (golf /gɔlf/). Chỉ có điều là khi ghép âm thành một âm tiết, người Pháp và người Anh có khác nhau trong việc lựa chọn tổ hợp phụ âm “lf”. Trong khi người Pháp lấy phụ âm /l/, thì người Anh lại lấy phụ âm /f/ làm âm cuối (cho âm tiết /gɔlf/). Thành ra, người Pháp bỏ /f/  đọc “gôn” [gɔl], người Anh bỏ /l/ đọc “gop” [gɔlf] (“gop” chứ không phải “gôp”).

Vì vậy, khôngnhất thiết cứ phải "trả lại tên cho em" để chuyển gôn thành gốp hoặc ngược lại. Bởi dù đọc gôn hay gốp thì mọi người vẫn hiểu là nói về môn thể thao đó, chẳng nên rắc rối thêm làm gì.

Tuy nhiên, một số trường hợp khác thì không thế. Chẳng hạn thăm quan và tham quan,  điểm yếu và yếu điểm. “Tham quan” là một từ ghép Hán Việt. Từ điển Tiếng Việt giải nghĩa: “Xem thấy tận mắt để mở rộng tầm nhìn hoặc học tập kinh nghiệm”. Còn theo Từ điển Hán Nôm, “tham quan” có nghĩa: “đối chiếu xem xét” và “thăm, xem, du lãm”. Như vậy, từ “tham quan” trong nghĩa đen đã bao hàm nét nghĩa “thăm” rồi, nên viết “thăm quan” là không đúng. Còn điểm yếu là một danh ngữ tạo ra theo cú pháp “xuôi” của tiếng Việt, đồng nghĩa với nhược điểm, hạn chế. Còn yếu điểm thì có nghĩa là quan trọng, giống như yếu nhân, chính yếu, chủ yếu, tất yếu, trọng yếu, xung yếu... Do vậy, nếu dùng yếu điểm để chỉ những nhược điểm, hạn chế là hoàn toàn sai. Bởi yếu điểm là điểm quan trọng, chứ không phải là điểm yếu. 

Tương tự, có tình trạng dùng sai từ khuyến cáo. Nghĩa của từ này là đưa ra lời khuyên (thường là công khai và cho số đông). Nội dung “khuyên” thông thường là cần/nên làm gì, không cần/nên làm gì. Ví dụ: “Bộ Y tế khuyến cáo không nên mời người khác về nhà và không nên đến nhà người khác”; hay: “Khuyến cáo những việc cần làm để phòng chống COVID-19”… Nhưng mới đây một văn bản của cơ quan nhà nước đã viết “khuyến cáo mạo danh cán bộ công chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Xét nội dung “khuyên” của từ “khuyến cáo” thì không thấy yếu tố đi kèm là nên/cần hay không nên/cần ở đây (nên/cần “mạo danh…” hay không nên/cần “mạo danh…”?). Và ai cũng biết đặt ra vấn đề này là thừa, vì đã mạo danh là xấu, thậm chí nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, đương nhiên không nên làm, không cần phải “khuyên”. Điều đó cũng có nghĩa việc dùng từ “khuyến cáo” ngay trước từ “mạo danh” là không phù hợp, hay nói cách khác là tối nghĩa. Thực ra hành vi “mạo danh cán bộ công chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai cũng dễ dàng phát hiện để đề phòng. Vấn đề ở đây là cơ quan chức năng có động thái để giúp người dân chú ý mà đề cao cảnh giác. Cho nên trong trường hợp này nên sửa lại: “Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh cán bộ công chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngôn ngữ vốn có những quy luật riêng, ngoài sự “hợp lí” lại có sự “hợp thói quen” đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng. Một số cách dùng từ chưa đúng, nhưng dùng đã lâu, được mọi người hiểu đúng nghĩa thì mặc nhiên coi là đúng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng sai lâu rồi thành đúng. Các cơ quan Nhà nước, các nhà trường, các cơ quan báo chí, truyền thông... cần phải có kiến thức ngôn ngữ, đặc biệt là các từ Hán Việt để sử dụng cho đúng. Nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thụy Sĩ Charles Bally từng viết: "Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loại những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay”. Điều này có nghĩa là những cách nói sai hiện nay nếu không chấn chỉnh kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng trong tương lai.

Thái An

Tin cùng chuyên mục