Về đèo Khế trong câu thơ Tố Hữu

- Hồi mới vào đại học bên Thái Nguyên, mỗi khi từ Tuyên Quang qua đèo Khế để đến trường, trong tôi lại văng vẳng mấy câu thơ Tố Hữu: “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/Gió qua rừng đèo Khế gió sang/Em là cô gái Bắc Giang/Rét thì mặc rét nước làng em lo...”.

Nắng sớm ở Khe Mo.

Là bởi tôi luôn thắc mắc: đèo Khế ở giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên. Tại sao nhà thơ lại viết “Em là cô gái Bắc Giang” mà không viết “Em là cô gái Tuyên Quang?” Hay sách giáo khoa in nhầm, vì “Tuyên Quang” vẫn vần với “gió sang” ở câu thơ trước và “nước làng” ở câu thơ sau.

Thêm nữa, đèo Khế thuộc Núi Hồng, ở phía Tây của Thái Nguyên, giáp ranh với Tuyên Quang. Còn Bắc Giang giáp phía Đông Bắc tỉnh Thái Nguyên. Mà gió mùa đông bắc phải là thổi về phía Bắc Giang, không lẽ lại thổi về phía Tây là Tuyên Quang để “gió qua rừng đèo Khế gió sang”?

Tôi đem suy nghĩ này nói với mấy người bạn đi cùng. Các bạn bảo: Mình học văn chương thì chỉ cần quan tâm đến cái ý cái tứ trong thơ thôi, để ý kỹ mấy kiến thức về vị trí địa lý hay gió mùa làm gì. Chỉ cần biết bài thơ khắc họa hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Việc nhà còn bề bộn, lúa chưa khô, sắn chưa thái, con thơ dại... vẫn hăng hái “theo chồng đi phá đường quan” ngăn cản bước tiến của địch. Chỉ cần biết gió mùa đông bắc rất rét, từng đợt táp vào mặt chị em nhưng không làm chị em sờn lòng, vẫn hăng hái phá đường, cản bước tiến của địch. Đấy, chỉ cần hiểu như thế là ra ý tứ bài thơ, không cần phân biệt phụ nữ Bắc Giang hay phụ nữ Tuyên Quang, cũng không cần quan tâm gió thổi hướng nào.

Cô bạn cùng sinh viên văn năm thứ nhất như tôi còn nói thêm: Thơ cũng như ca dao dân ca, đôi khi không cần đúng y như thật. Ví như Gần nhà mà chẳng sang chơi/Để em bắc ngọn mùng tơi làm cầu. Làm gì có cầu nào làm bằng rau mồng tơi, phải bằng tre, gỗ, bằng sắt chứ. Hoặc: Hôm qua tát nước đầu đình/Để quên chiếc áo trên cành hoa sen. Làm gì có cành hoa sen nào vắt được chiếc áo? Hay Con chim mày ở trên cây/Tao đứng dưới gốc mày bay đường nào; Con cá mày ở dưới ao/Tao tát nước vào mày sống được chăng... Toàn những phi lý mà vẫn được chấp nhận, được nhiều người nhớ và thuộc đó thôi.

Nghe phân tích thế, tôi không thắc mắc nữa. Nhưng vẫn chưa yên tâm.

Đèo Khế trong bài thơ Tố Hữu năm xưa, nay yên bình, rợp bóng cây xanh.

Rồi một hôm, tôi nghe cô bạn thân người TháiNguyên kể chuyện vừa theo người nhà qua đèo Khế đi Bắc Giang về. Tôi liền đem thắc mắc lâu nay của mình về bài thơ “Phá đường” của Tố Hữu hỏi bạn. Cô ấy khẳng định chắc nịch: Đèo Khế trong bài thơ Tố Hữu ở gần nhà tớ! Tôi ngớ người: Nhà bạn phải đi hướng qua cầu Gia Bẩy, phía Đồng Hỷ cơ mà? Đúng vậy, Thái Nguyên còn có một đèo Khế nữa, thuộc huyện Đồng Hỷ quê tớ!

Thì ra Thái Nguyên còn có một đèo Khế nữa thật, ở huyện Đồng Hỷ, qua khe Mo, sang Bắc Giang. “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế” là vì vậy. Không biết vì sao đèo có tên như vậy, nhưng đích thị đèo Khế trong bài thơ “Phá đường” là đèo Khế qua khe Mo (Đồng Hỷ - Thái Nguyên), không phải đèo Khế giáp Tuyên Quang. “Gió qua rừng đèo Khế gió sang” thì ra là gió mùa đông Bắc qua đèo Khế này thổi về Bắc Giang.

Và chúng tôi cũng từng có cuộc tìm về đèo Khế ở xã Khe Mo. Xã Khe Mo nằm ở phía Bắc của huyện Đồng Hỷ, gồm có 15 xóm. Trong đó có 1 xóm mang tên đèo Khế. Đèo Khế nay phẳng phiu, thênh thang, rợp bóng cây ven đường. “Đường quan” chính là con đường năm xưa những phụ nữ Bắc Giang đối chọi với gió rét để phá, ngăn cản quân Pháp từ Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh... tấn công lên An toàn khu của ta trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chuyện này khiến tôi liên tưởng chuyện nhiều giáo viên giảng bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, đã nói hoa phách màu vàng (câu thơ Ve kêu rừng phách đổ vàng). Nhưng thực ra hoa phách màu tím. Là vì người giảng không có kiến thức thực tế về cây phách ở núi rừng Việt Bắc, khiến cho nhiều thế hệ học sinh, và cả giáo viên lầm tưởng hoa phách màu vàng.

Thì ra, dù có ai đó hay bàn về tính phi lý trong thơ, hoặc cho rằng hiểu thơ chỉ cần hiểu ý tứ và nhịp điệu; thì vẫn phải khẳng định: nghệ thuật nào cũng cần có trí tuệ. Trong trường hợp này, trí tuệ đơn giản chỉ là một lần đến nơi có cây phách, hoặc biết rằng Thái Nguyên còn có một đèo Khế khác ở Khe Mo. 

Thái An

Tin cùng chuyên mục