Bà nổi tiếng thế giới với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Năm 1979, bà đã được trao giải Nobel hòa bình như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo của bà. Teresa không có gia đình và con cái nhưng bà được cả thế giới trìu mến gọi bằng tên Mẹ Teresa - cái tên yêu thương dành cho người luôn cho đi yêu thương.
Phật giáo cũng có một câu chuyện rất ý nghĩa về “cho” và “nhận”. Rằng có hai người trước khi thác đã được lựa chọn một trong hai khả năng: Luân hồi chuyển kiếp để “cho” và luân hồi chuyển kiếp để “nhận”. Người đầu tiên lập tức xin được thác sinh để “nhận”. Người còn lại đành chọn thác sinh để “cho”. Y nguyện, người thứ hai được làm một phú ông giàu có trong kiếp tới, có tấm lòng quảng đại chuyên làm từ thiện và phân phát bố thí cho người nghèo khổ. Còn người đầu tiên lựa chọn sống để nhận nên kiếp tới trở thành một người ăn mày nghèo khổ, sống dựa vào lòng thương và sự bố thí của người khác.
Trong đời sống thực tế, cho và nhận cũng như một phạm trù nhân quả. Người hào phóng độ lượng, giàu lòng thương yêu sẽ luôn nhận được yêu thương và ngược lại. Có người mẹ dạy con nên biết tranh thủ tình thương, sự hào phóng của người khác; nhưng cũng nhiều người mẹ dạy con biết cách cho đi, để giúp đỡ người khác. Dù cuộc sống chưa hề dư dả, nhưng ta vẫn có thể cho đi nụ cười và tấm lòng chân thành của ta. Đôi khi, sự trìu mến hay quan tâm dù rất nhỏ cũng sẽ giúp được người khác rất nhiều. Người mẹ dạy con biết cho đi chính là cách giúp con biết yêu thương và khẳng định giá trị chính bản thân mình, đồng thời giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong đại dịch Covid 19 chúng ta đã chứng kiến biết bao câu chuyện đẹp về sự cho đi: Các thầy thuốc cho đi sự tận tụy, hy sinh, thậm chí cả tính mạng và sức khỏe để cứu bệnh nhân. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân cho đi tài sản, công sức để ủng hộ chống dịch. Nhiều quốc gia sẵn sàng tham gia cơ chế covax để có vác xin cho nước nghèo…
Henry Drummond (1851 – 1897) nhà truyền giáo người Scotland từng nói: “Không có hạnh phúc trong việc sở hữu hay đón nhận, chỉ có hạnh phúc khi cho đi”. Vậy nên, chúng ta biết ơn những người biết cho đi như thế. Chúng ta cũng biết ơn những người mẹ đã dạy con biết cho đi, thay vì chỉ dạy con biết trở thành con ngoan trò giỏi lúc nhỏ và biết kiếm tiền khi trưởng thành.
Gửi phản hồi
In bài viết