Không ít các gia đình hiện vẫn còn theo tư tưởng từ thời phong kiến, tức là đề cao vai trò của người con trai trong "nối dõi tông đường" và tất nhiên, chuyện thừa kế tài sản cũng vậy. Con gái đi lấy chồng, làm bổn phận dâu con nhà chồng thì không được hưởng những tài sản do cha mẹ để lại. Toàn bộ tài sản được chia cho con trai, người con trai cả sẽ được phần nhiều nhất bởi đó là người gánh vác trọng trách thờ cúng cha mẹ, tổ tiên, dòng họ. Điều này sẽ được thực hiện suôn sẻ nếu như cha mẹ và các con trai gái, dâu rể trong nhà cùng đồng thuận.
Pháp luật đã quy định rất rõ ràng về quyền thừa kế của anh em, con cái và thứ tự từng hàng thừa kế khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ cũng cảm thấy lo lắng làm sao cho việc phân chia tài sản giữa các con được công bằng, hợp tình, hợp lý. Có những gia đình, vì con trai khá giả nên muốn chia cho con gái phần nhiều hơn nên cũng đã xảy ra mâu thuẫn.
Câu nói của người xưa: "Cha mẹ giàu thì con có/Cha mẹ khó thì con nghèo" chưa hẳn đã đúng trong thời đại ngày nay. Nhiều gia đình đã luôn quan tâm giáo dục con cái tự lập vươn lên ngay từ lúc nhỏ, tránh ỷ lại và dựa dẫm vào cha mẹ, dù cho gia đình họ có thể rất giàu có về tài sản, tiền bạc. Nhiều thanh niên xuất thân từ gia đình nghèo khó đã quyết tâm học tập, vượt khó, quyết chí làm giàu ở nhiều lĩnh vực mới, thậm chí vươn tầm ra thế giới như công nghệ máy tính, phần mềm... Với những thanh niên có chí như vậy, họ đâu còn quan tâm đến việc cha mẹ để lại tài sản cho họ là bao nhiêu, họ được phân chia tài sản so với anh chị em trong gia đình sẽ nhiều ít như thế nào.
Bên cạnh những gia đình còn có mâu thuẫn về phân chia tài sản thừa kế thì cũng có không ít người không quan tâm đến việc họ sẽ được hưởng tài sản gì từ cha mẹ. Những đồng tiền do bản thân họ tự bỏ công sức ra để có được bao giờ cũng là đồng tiền hạnh phúc nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết