Hậu quả để lại dù nặng hay nhẹ đều để lại những sứt mẻ trong quan hệ gia đình, dòng tộc, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết của làng xóm. Vậy thì cùng với việc tìm nguyên nhân, giải quyết hậu quả chúng ta hay nghĩ đến việc phòng ngừa những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Bàn về nội dung này có rất nhiều ý kiến đưa ra. Như đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động gắn với tuyên truyền; phát huy vai trò nêu gương; biểu dương nhân tố điển hình... Song, một nguyên nhân cần được nhắc tới ở đây chính là nền tảng gia đình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Gia đình là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, tình yêu quê hương đất nước và cũng là chỗ dựa tinh thần cho mỗi người chúng ta. Mỗi chúng ta, khi gặp chuyện vui hay buồn trong cuộc sống, nơi chúng ta muốn tìm về đầu tiên chính là ngôi nhà thân yêu. Nơi có những người thân luôn chờ đón, chở che và sẵn sàng tha thứ... Khi ngôi nhà ấm êm, mỗi thành viên sẽ có ý thức tìm đến nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn những được, mất trong cuộc sống. Và những chuyện to, nhỏ trong cuộc sống sẽ được giải quyết. Những mâu thuẫn, khúc mắc cũng dần được gỡ bỏ, tình đoàn kết nhân lên.
Trong giai đoạn phát triển mới, gia đình vẫn giữ vai trò, vị trí trung tâm trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân Việt Nam. Gia đình là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc. Đó là ngôi nhà an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống. Vậy thì, ngay từ bây giờ tại sao chúng ta không dành thời gian nhiều hơn để cùng nhau dùng những bữa cơm gia đình. Việc nhỏ nhưng đầy ấm áp ấy sẽ nhân lên tình đoàn kết bền chặt. Đó cũng chính là thông điệp và là mục tiêu mà Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hướng đến. Bởi gia đình đoàn kết thì cộng đồng sẽ đoàn kết. Đó là điểm tựa, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết