Nhà chúng tôi cách trường học chỉ hơn một cây số. Chúng tôi toàn đi bộ tới trường. Bỗng một hôm, trên đường tới trường thì xuất hiện hai bố con anh ấy cùng đi. Tụi bạn nhỏ to bàn tán, còn cả chê bai anh ấy nữa. Anh ấy có đôi chân không nguyên vẹn nhưng khuôn mặt cực kỳ thông minh, sáng láng. Không hiểu sao tự dưng lúc đó tôi ghét mấy đứa bạn thế.
Thời gian sau đó, chúng tôi dường như quen với sự xuất hiện của hai bố con anh trên con đường tới trường và tan học về nhà. Tụi bạn ngày càng ít dần hơn sự châm chọc anh ấy, tất nhiên là không để anh nghe thấy. Tôi nhớ mãi một lần, một người bạn của tôi thẳng thắn: “Chả nhẽ anh ấy phải sống cả đời dựa vào bố mẹ à? Phải mình thì mình chết đi còn hơn!”. Tôi lặng người. Đêm đó, tôi khóc thút thít và chợt một suy nghĩ lóe lên trong đầu: “Lớn lên mình sẽ lấy anh ấy làm chồng, mình sẽ chăm lo cho anh ấy”.
Sau khi học hết cấp ba, nhà anh lại chuyển về quê và đến giờ tôi chưa bao giờ gặp lại anh ấy. Suy nghĩ về chuyện tình nguyện lấy một người khuyết tật làm chồng của một đứa trẻ học cấp hai ngày ấy dần đi vào quên lãng và đến hôm nay, khi ngồi viết những dòng này, tự dưng nước mắt tôi lại rơi. Tôi tin anh giờ đang ở nơi nào đó đã có cuộc sống thật tốt.
Thực tế có rất nhiều người khuyết tật nhưng rất giỏi giang, thông minh và làm được nhiều việc cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ là những người không may mắn khi bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Thành công của người khuyết tật được đánh đổi bằng những cố gắng gấp rất nhiều lần người bình thường, lành lặn. Yêu thương họ thật nhiều còn chưa đủ, nói gì đến việc xa cách, lảng tránh, phân biệt. Nếu họ được thương yêu, chăm lo để bù lại những phần khiếm khuyết, chắc chắn họ sẽ là người có ích.
Gửi phản hồi
In bài viết