Nhiều người nghĩ rằng hoạt động khuyến học chỉ là vận động các phần thưởng, phần quà, các suất học bổng rồi trao cho học sinh. Nhưng đó mới chỉ là một phần hoạt động, không phải là mục tiêu của khuyến học, khuyến tài.
Mục tiêu của khuyến học, khuyến tài là thúc đẩy xây dựng cả nước ta trở thành một xã hội học tập, tức một xã hội mà ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính… Nói cách khác, "xây dựng cả nước thành một xã hội học tập" là mục tiêu chính, còn "khuyến học, khuyến tài" là phương tiện để đạt được mục tiêu đó.
Do vậy, việc thúc đẩy giáo dục người lớn cần được đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đang phát triển và có mặt ở khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thích nghi, phát triển với môi trường hiện đại, bắt buộc người lớn phải học, để biết ứng dụng kiến thức mới vào công việc, biết buôn bán trực tuyến, thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, biết giải trí bằng thiết bị công nghệ…
Việc phát triển nguồn nhân lực số là một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế số. Nếu người lớn không tự học để thành công dân số, sẽ mất vai trò hướng dẫn trong gia đình, xã hội; khiến lớp trẻ dễ có nguy cơ lạc lối trong môi trường số. Rất cần có nguồn tài nguyên giáo dục mở, số hóa những tài nguyên tri thức trước đây chỉ có trong thư viện. Ngoài ra còn cần có các khóa học mở, học trực tuyến, giúp đáp ứng yêu cầu học thường xuyên, học suốt đời, tại mọi không gian, địa điểm khác nhau của người học.
Khi mỗi người dân chủ động, tự học, tìm tòi những hiểu biết mới, kỹ năng mới, vận dụng những kiến thức đó vào cuộc sống sẽ nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Mặt khác, khi người lớn nghiêm túc, gương mẫu tự học sẽ tạo thành tấm gương cho con cháu. Cấp trên tự học sẽ làm gương cho cấp dưới. Việc lan tỏa tinh thần ham học hỏi sẽ góp phần tạo thành một phong trào học tập để hướng tới xã hội văn minh, đáng sống.
Gửi phản hồi
In bài viết