Có người băn khoăn, những đêm hội Trung thu thế này kéo dài từ cả tháng trước, vậy trẻ con lấy đâu thời gian để học bài. Lập tức có ý kiến phản biện, rằng học ở lễ hội là đủ.
Bởi các mô hình đèn Trung thu quá phong phú những tích, trò dân gian lẫn hiện đại - phải bằng mấy những bài học về chuyện ngụ ngôn hay cổ tích trong sách giáo khoa ấy chứ.
Bởi đêm đêm, có hàng trăm cảnh sát làm nhiệm vụ, hàng nghìn người lớn điều khiển xe mô hình, cùng nhảy múa… chỉ để cho các xe rước đèn lưu thông trôi chảy và trẻ em được hưởng niềm vui trọn vẹn - phải bằng cả vạn lần hô khẩu hiệu "tất cả vì trẻ em" ấy chứ.
Ấy là còn chưa kể, từ cả vài tháng trước đó, các khu dân cư đã tổ chức họp bàn lựa chọn ý tưởng và thi công các mô hình. Chưa kể các gia đình đã góp tiền của, công sức để có được những đèn Trung thu khổng lồ, lung linh rực rỡ cho con trẻ.
Ấy là còn chưa kể cấp ủy, chính quyền các cấp đều dồn nhiều tâm sức để nâng tầm đêm hội Trung thu lên quy mô ngày càng lớn hơn, thời gian dài hơn, giúp con trẻ lẫn du khách được vui và các ngành dịch vụ thêm cơ hội phát triển.
Với trẻ, vạn vật đang diễn ra trong thế giới này đều mới mẻ, sống động, cuốn hút và kích thích trí tò mò. Từ thời cổ đại, tư tưởng giáo dục về học qua thực hành, trải nghiệm thực tiễn đã manh nha xuất hiện trong các quan điểm giáo dục của các triết gia, các nhà tâm lý học, giáo dục học. Khổng Tử cho rằng giáo dục phải coi trọng thực hành, vận dụng. J.A Cômenxk cho rằng "dạy học phải đảm bảo mối liên hệ với đời sống, giáo dục thông qua trò chơi, hoạt động ngoài lớp, ngoài thiên nhiên". Và hiện nay, "học tập trải nghiệm" đã được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực ở nhiều nền giáo dục tiên tiến, đồng thời được coi như triết lý giáo dục của nhiều quốc gia và đang tiếp tục phát triển.
Chính vì vậy, không cần băn khoăn về việc trẻ em sẽ học hành ra sao trong mùa Trung thu. Quan trọng là cách ứng xử của người lớn để giúp trẻ có sự tập trung đúng mức và tự học được những bài học riêng qua trải nghiệm thực tế từ lễ hội.
Gửi phản hồi
In bài viết