Phòng ngừa phải là chính

- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 1.485 vụ cháy, nổ, làm 132 người chết và 115 người bị thương, thiệt hại ước tính 210,5 tỷ đồng. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini ngày 12/9/2023 tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương.

Những con số trên cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của giặc lửa, cũng cho thấy nghịch lý đang diễn ra trong công tác phòng chống cháy, nổ. Đó là ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC), kỹ năng thoát hiểm của người dân vẫn còn thiếu và yếu, trong khi công tác quản lý Nhà nước về PCCC vẫn còn những hạn chế, thậm chí còn lỗ hổng. Nhiều cơ quan, đơn vị, hộ gia đình chưa coi trọng công tác phòng ngừa, nên chưa dành kinh phí cho việc mua sắm trang thiết bị PCCC, hoặc mua lấy lệ, thiết bị không hoạt động. Có những lớp tập huấn về PCCC vẫn còn mang tính hình thức, người đi học chỉ cốt cho có, mà chưa học thật sự để trang bị kiến thức PCCC và các kỹ năng thoát hiểm.

Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới đã nêu rõ phải lấy phòng ngừa là chính, với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân.

Mới đây, tại Chương trình Phát động toàn dân phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn ngày 28/9/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: Phải hết sức coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính.

Ông bà ta đã có câu "nước xa không cứu được lửa gần", nên ứng phó hiệu quả nhất với "bà hỏa" chính là "phòng cháy hơn chữa cháy" và phải thực hiện phương châm tại chỗ…

Không ai khác, người dân chính là lực lượng tại chỗ hiệu quả nhất. Từng người, từng hộ gia đình phải chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng PCCC để khi xảy ra cháy nhỏ, biết xử lý thì sẽ không có cháy lớn. Nếu có xảy ra cháy cũng sẽ xử lý kịp thời, không gây hậu quả lớn.

Thái An

Tin cùng chuyên mục