Hà Nội nổi tiếng với những phố nghề, qua thăng trầm của thời gian, tuy có ít nhiều thay đổi song những con phố như Hàng Bạc, Hàng Mành, Hàng Gai, Hàng Quạt, Hàng Nón… với những nghề truyền thống vẫn được gìn giữ qua nhiều đời nay vẫn là những địa điểm thu hút du khách. Những dãy phố cổ không chỉ chuyên kinh doanh, sản xuất, trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống mà du khách đến đây còn để trải nghiệm, tìm hiểu về truyền thống lưu truyền, văn hóa, bí quyết gìn giữ nghề truyền thống của các nghệ nhân. Nhận thức rõ giá trị to lớn của phố nghề trong phát triển du lịch văn hóa và ngành công nghiệp, những năm gần đây, Hà Nội đã quan tâm tổ chức các hoạt động như triển lãm, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lễ hội dân gian để tạo không gian quảng bá cho phố nghề. Những không gian, hoạt động như vậy thu hút hàng ngàn lượt khách đến trải nghiệm. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng quan tâm đến các hoạt động trưng bày, triển lãm, Festival phố nghề, nghề thủ công truyền thống.
Thế hệ của tôi lớn lên và biết đến những phố nghề của thành Tuyên qua sách lịch sử hoặc các bậc tiền bối, người cao tuổi đã gắn bó với mảnh đất này. Bóng dáng của phố nghề vẫn cứ hiện hữu trong dòng chảy lịch sử văn hóa của thành Tuyên mà thế hệ như chúng tôi đều mong muốn những con phố ấy được khôi phục, trở thành động lực cho du lịch của tỉnh phát triển.
Trong quá trình khôi phục phố nghề, cần chú trọng việc tạo ra các không gian để trải nghiệm, quảng bá nghề thủ công truyền thống, coi đây là hoạt động điểm nhấn để lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của phố nghề. Trước hết cần nghiên cứu rà soát để lựa chọn một số nghề truyền thống có khả năng khôi phục thành phố nghề và xây dựng không gian, hoạt động trải nghiệm, kết nối tua, tuyến du lịch với những không gian này.
Tạo ra không gian, các hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống sẽ góp phần tích cực lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của phố nghề, nhất là trong các giải pháp khôi phục phố nghề.
Gửi phản hồi
In bài viết