Tuyên Quang xưa cũng đã từng có những phố nghề như: cát, cót, củi, phên ở Xuân Hòa, phố thợ may ở Tân Quang, phố hàng thùng ở Hưng Thành... Nhưng cùng với sự biến chuyển của thời gian, theo xu thế của thị trường, phố nghề đã có nhiều thay đổi. Khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc sản xuất các sản phẩm có tính truyền thống được hỗ trợ bởi quy trình công nghệ mới với các nguyên liệu mới. Do vậy, nhiều phố nghề đã không còn như phố cát, cót, củi phên ở Xuân Hòa, các phố nghề khác cũng đã bị mai một, chỉ còn một số ít những hộ vẫn kinh doanh nghề cũ trên phố cũ, nhiều người đã đổi nghề và chuyển sang sống ở phố khác.
Đổi thay là tất yếu, thế nhưng, trong nét sinh hoạt, trong nhịp sống sôi động của thị thành, mọi người đều dễ cảm nhận được cái hồn, cái cốt, cái truyền thống của mỗi phố nghề còn sót lại. Trong đó nổi bật là không gian văn hóa với những hình thức sinh hoạt, cách ứng xử vẫn mang đậm dấu ấn của những phố nghề thủ công truyền thống trước đây.
Do vậy, việc gìn giữ và phát huy nghề thủ công truyền thống đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó cần có sự đầu tư, quy hoạch và phát triển theo hướng mới. Theo đó, khôi phục, phát triển lại phố nghề không đơn thuần là nơi buôn bán giao thương mà cần tính đến việc tích hợp thêm nhiều giá trị cho phố nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách. Việc sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống cũng rất quan trọng, để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương, trở thành món quà lưu niệm được du khách ưa chuộng.
Gửi phản hồi
In bài viết