Nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử về Tuyên Quang Phí Văn Chiến giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển nghề thủ công.
Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ đôi nét về quá trình hình thành và phát triển của các nghề thủ công ở Tuyên Quang?
Nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Phí Văn Chiến: Theo các sách và tài liệu lưu trữ, thế kỷ XIX, thị xã Tuyên Quang có phố Tam Kỳ (nay Tam Cờ), phường Quảng Đồn, phường Chử Thịnh, phố Khách, chòm Hồng Nương, bến Cầu Vu (thuộc Tổng Trung Môn, huyện Phúc Yên (nay là huyện Yên Sơn)). Đến thế kỷ XX, thị xã Tuyên Quang có phố Xuân Hòa, Tam Cờ, Quảng Thị, Chả Thị, Bộ Nghĩa…
Trải qua hai giai đoạn lịch sử, thị xã Tuyên Quang dần hình thành và trở thành thị xã vùng biên ải. Sau năm 1831, Tuyên Quang gồm có 2 huyện Yên Bình và Lục Yên (gồm toàn bộ tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) ngày nay). Có thể thấy rằng, các con phố thời điểm này được hình thành trong quá trình thiên di từ miền xuôi lên miền ngược.
Sau năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp nổ ra, người dân ở các vùng Hà Đông, Sơn Tây (Hà Nội), Phú Thọ rời bỏ nhà cửa lên Tuyên Quang để tránh giặc và tham gia kháng chiến. Những người di dân lên Tuyên Quang đều có những nghề thủ công khác nhau. Trong quá trình thiên di ấy, những người thợ thủ công tuân thủ nguyên tắc “nhất cận thị, nhị cận giang”. Họ chọn lối sống ở gần chợ và gần sông. Quá trình này, đã hình thành 2 khu vực tập trung nhiều nghề thủ công khác nhau, trải dài khoảng 2 km dọc bờ sông Lô, thị xã Tuyên Quang.
Và sau đó, những người thợ thủ công này đã phát triển thành những nghề nghiệp khác nhau. Theo sưu tầm và khảo cứu của tôi, từ sau 1945 đến năm 2023, thị xã Tuyên Quang có 384 người, làm 101 nghề thủ công. Có thể khẳng định, nghề tiểu thủ công và thủ công tại thị xã Tuyên Quang đã có từ thế kỷ XIX - XX. 384 người này đều là những thợ nổi tiếng của thị xã Tuyên Quang, họ đã tạo thêm thương hiệu nghề và người ở Thành Tuyên.
Nhà nghiên cứu Phí Văn Chiến.
Phóng viên: Nghề thủ công truyền thống đã đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy hoạt động buôn bán nhỏ ở Thành Tuyên, thưa ông?
Nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Phí Văn Chiến: Các nghề thủ công tại Tuyên Quang có nguồn gốc từ lịch sử, khi những người dân từ các vùng khác di cư đến và mang theo các kỹ năng nghề nghiệp của mình. Họ đã dựa vào những năng lực sẵn có để tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của bản thân và cộng đồng.
Tại thị xã Tuyên Quang có hơn 100 loại nghề thủ công khác nhau, như: thợ mộc, đan lưới, hàng mã, thợ may, gò hàn thùng, làm cối xay lúa, làm trống, rèn, thêu, cắt tóc, làm dép cao su, thiến lợn, thợ cơ khí… Các nghề thủ công này không tập trung thành một khu vực riêng mà phân tán dọc hai bên đường và bờ sông. Đặc điểm nghề thủ công là thợ thủ công thường hay giấu nghề, không muốn chia sẻ bí quyết với người khác để tránh cạnh tranh. Họ cạnh tranh về giá cả để kiếm sống, nhưng điều này cũng thúc đẩy hoạt động buôn bán nhỏ ở Thành Tuyên và sự phát triển của các nghề thủ công.
Các nghề thủ công tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và khu vực lân cận. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc bán các sản phẩm thủ công do người đàn ông sản xuất. Hoạt động buôn bán nhỏ này góp phần vào sự phát triển của xã hội và kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân Thành Tuyên.
Phóng viên: Thưa ông, nhiều người hay nói, ở Thành Tuyên có phố “cót, cát, củi, phên”, có phố “thêu, thiếc”, điều này có đúng không? Xin ông cho biết thêm?
Nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Phí Văn Chiến: Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở phố Xuân Hòa có nhiều lợi thế để làm cót, khai thác cát. Đến năm 1960, việc làm cót được nhiều người làm hơn vì thế nghề làm cót phát triển ở phố Xuân Hòa. Sau năm 1975, ngành xây dựng ở cả nước phát triển, nghề làm cát ở Tuyên Quang cũng phát triển. Tôi còn nhớ, nhiều cán bộ, công nhân viên chức hết giờ làm lại đi xuống sông, xúc cát bán.
Và ở Xuân Hòa là dân sơn tràng, nên thanh niên, học sinh hết giờ đi học lại lên núi Tràng Đà lấy củi bán. Từ đó hình thành một nghề lấy củi. Xã hội phát triển, các nghề thêu, thiếc cũng dần hình thành. Đặc biệt, sau năm 1981, những hộ có điều kiện làm nhà sử dụng sắt thép để đổ mái, còn nhà không có điều kiện, sử dụng phên, cót để làm vật liệu xây dựng. Vì thế, ở Tuyên Quang hình thành nên phố “cót, cát, củi, phên”, “thêu, thiếc”.
Thế nhưng do không có tiêu chí về phố, nên phố khi đó nhà nước, chính quyền không công nhận, nhưng trong tâm khảm, nỗi nhớ của người dân Tuyên Quang vẫn luôn tự hào Tuyên Quang có phố “cót, cát, củi, phên”, “thêu, thiếc”. Chính vì có những người thợ cót, cát, củi, phên, thêu, thiếc này, đã giữ được những nghề truyền thống cho thị xã Tuyên Quang.
Theo thời gian, bà Nguyễn Thị Quỳnh Lan (chủ cửa hàng may Tâm Lan), vẫn giữ nghề may trong phố.
Phóng viên: Thăng trầm theo thời gian, nhiều nghề truyền thống của Tuyên Quang xưa đã dần mai một. Theo ông, làm thế nào để Tuyên Quang có thể trở thành một thành phố hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các nghề thủ công truyền thống?
Nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Phí Văn Chiến: Theo thời gian, nhiều nghề truyền thống của Tuyên Quang xưa đã dần mai một. Nguyên nhân của sự mai một, là do sự phát triển của đất nước, đây là một điều đáng mừng. Thời hiện đại, khi vật liệu xây dựng, đồ dùng trong gia đình được sản xuất bằng máy móc, được nhập khẩu nhiều thì sản phẩm thủ công khó tiêu thụ, nhiều nghề thủ công tưởng như thất truyền.
Những nghệ nhân có tay nghề giỏi, tuổi ngày càng cao, nhiều người mất đi chưa kịp truyền hết những bí quyết trong nghề. Lớp trẻ theo được nghề của cha ông có sáng tạo còn rất ít. Ðiều đó đòi hỏi công tác đào tạo, dạy nghề, truyền nghề cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Ðể phát triển nghề thủ công ở Tuyên Quang hiện nay, không phải là điều dễ dàng. Chính quyền địa phương cần có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích những người thợ thủ công này gìn giữ, và phát triển nghề, gắn với các hoạt động thúc đẩy du lịch. Tuyên Quang cần phải nhận thức sâu sắc rằng, phát triển nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, mà còn góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu rộng rãi trên thế giới tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Gửi phản hồi
In bài viết