Trong thư gửi cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc, Người viết: Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra liệt sĩ, thương binh... những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu, hy sinh... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
Từ đó ngày 27 tháng 7 hàng năm, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở mọi người phải “biết ơn và hết lòng giúp đỡ” thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Và từ năm 1955, ngày 27 tháng 7 hàng năm được đổi thành ngày Thương binh Liệt sĩ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương của nó còn âm ỉ, day dứt và ảnh hưởng lâu dài. Ghi nhớ và tri ân sự cống hiến của các thế hệ đi trước đã đổ máu vì nền độc lập tự do của dân tộc là việc làm cần thiết và phải được duy trì thường xuyên, liên tục.
Ngoài các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh, giúp tạo việc làm, nâng thu nhập và mức sống… thì việc hỗ trợ xây dựng nhà ở là một trong những việc làm cấp bách và chính đáng. Ngoài nguồn lực của trung ương, của tỉnh, việc xã hội hóa nguồn vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân mỗi năm đã giúp hàng trăm hộ gia đình chính sách, người có công có nhà ở mới kiên cố, để không ai bị bỏ lại phía sau, coi đó là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người được sống trong cuộc sống hòa bình, no ấm ngày nay.
Ðó cũng chính là trách nhiệm thiêng liêng, là sự tri ân thiết thực của những người đang sống đối với các gia đình chính sách.
Gửi phản hồi
In bài viết