Huy động nhiều nguồn lực

- Tuyên Quang là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất gây phá hủy nhà cửa, đe dọa tính mạng người dân. Di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, toàn tỉnh đã di dời được 307 hộ đến nơi ở mới. Trong năm 2024, qua báo cáo rà soát nhu cầu của các huyện, thành phố tổng số hộ cần bố trí dân cư là 150 hộ, hiện nay, các hộ đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để di chuyển đến nơi ở mới.

Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết phức tạp, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngày càng cao, số hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở tăng lên. Nhiều hộ nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm thường xuyên phát sinh sau mỗi đợt thiên tai, dẫn đến việc di chuyển đến nơi ở mới chưa kịp thời.

Thực tế hiện nay, việc tái định cư để di dân ra khỏi vùng nguy hiểm cũng như khắc phục hậu quả thiên tai chủ yếu dựa vào nguồn lực ngân sách nhà nước. Dù Chính phủ và địa phương đã rất quan tâm bố trí kinh phí, song còn ở mức rất thấp so với yêu cầu. Trong rất nhiều nỗi lo mà chính quyền các địa phương cho biết, thì đáng lo nhất vẫn là vấn đề thiếu kinh phí để thực hiện.

Để triển khai xây dựng cơ sở vật chất di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bên cạnh việc lồng ghép từ các chương trình, nguồn vốn, tỉnh Tuyên Quang cũng đã xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2030. Nhưng thực tế thì vẫn chưa thấm vào đâu, khi nhiều hộ dân vẫn sống trong cảnh bất an mỗi khi mùa mưa bão đến. 

Do vậy, bên cạnh nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh dành cho công tác này, chính quyền các địa phương cũng cần làm tốt việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ dân sinh sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất đến nơi ở mới, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là hiện nay thiên tai ngày càng diễn biến bất thường.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục