Phòng ngừa là chính

- Trong đời sống từ xa xưa, ông cha đã nhắc đến “thủy” như mối nguy đầu tiên của các mối nguy hiểm (thủy - hỏa - đạo - tặc). Hiện đang mùa mưa lũ, dễ dẫn đến lũ quét và sạt lở đất, gây ra thiệt hại nặng nề và khó lường. Trên bản đồ phân lũ quét và sạt lở các địa phương, Tuyên Quang thuộc vùng có nhiều nguy cơ.

Chủ động ứng phó với nguy cơ này, tỉnh đã có các chỉ đạo cụ thể, các quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó lũ quét, sạt lở đất tại một số địa bàn trong tỉnh. Các ngành liên quan và địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực nhiều giải pháp để di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất các thiệt hại.

Tuy nhiên, số hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở mỗi năm một tăng lên do nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngày càng cao. Mặt khác, hiện nhiều dự án thuộc nhóm di chuyển dân khẩn cấp lại đang chậm tiến độ.

Điều 26 Luật Phòng chống thiên tai 2013 (sửa đổi 2020) đã quy định: căn cứ vào loại thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp quyết định lựa chọn một hoặc một số biện pháp phù hợp. Trong đó, việc sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn là một trong những biện pháp cơ bản ứng phó đối với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất.

Trước diễn biến thời tiết phức tạp hiện nay, việc quy hoạch, bố trí di dời dân cư khỏi các vùng nguy hiểm là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Song song với việc thường xuyên cảnh báo trước, phải thông suốt nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, diễn tập và chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống, các điều kiện triển khai phương châm “4 tại chỗ”, kết hợp thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân. Các cơ quan chuyên môn phải kết hợp với chính quyền cơ sở quản lý chặt việc xây dựng nhà ở, công trình công cộng ở những nơi có khả năng xảy ra thiên tai, nghiêm cấm việc xây dựng và sinh sống tại nơi có nguy cơ cao.

Theo các chuyên gia, bên cạnh giải pháp ưu tiên là di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, cần thực hiện thêm những biện pháp lâu dài. Đó là tích cực trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ. Đồng thời, cần xây dựng hồ chứa điều tiết lũ, khai thông các đường thoát lũ… Đặc biệt, mỗi người dân cần chủ động trong phòng tránh, nắm chắc các kỹ năng nhận biết dấu hiệu nguy hiểm và chủ động sơ tán để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục