Tôi đã từng chứng kiến một số người quen bị biến chứng, thậm chí không giữ được tính mạng do tự ý dùng thuốc nam, thuốc đông y trên mạng. Thời gian qua, tại nhiều bệnh viện đã ghi nhận các trường hơp bị ngộ độc do dùng thuốc nam tùy tiện, không theo chỉ định, hướng dẫn của bác sỹ như bị tổn thương gan, viêm gan, suy tuyến thượng thận…. Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị cho các trường hợp này rất khó khăn, vì mỗi trường hợp nhiễm độc thuốc y học cổ truyền do một bài thuốc khác nhau. Mỗi bài thuốc gồm nhiều vị khác nhau.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam hiện được xếp thứ 2 trên thế giới về những thành tựu của nền y học cổ truyền với trên 5.000 loại cây thuốc có công dụng chăm sóc sức khỏe. Hiện cả nước có gần 40% bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở, 20% ở tuyến tỉnh, 10% bệnh nhân ở tuyến Trung ương được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền. Y học cổ truyền đã trở thành “di sản” quý, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc giả mạo thầy thuốc đông y thời gian qua đã làm ảnh hưởng không ít tới uy tín của nền y học cổ truyền dân tộc.
Do đó để tránh tiền mất tật mang khi dùng thuốc đông y sai cách, trước tiên phải bắt đầu từ chính mỗi người. Người dân khi có bệnh cần đến các cơ sở khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền có uy tín, được cấp phép theo quy định. Đồng thời tuân thủ triệt để chỉ định, hướng dẫn và trong quá trình sử dụng thuốc đông y gia truyền cần có sự theo dõi của thầy thuốc.
Gia đình, chính quyền địa phương, ngành Y tế, cộng đồng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Người dân không nên vì suy nghĩ có bệnh thì vái tứ phương mà dùng thuốc đông y bừa bãi để rồi mang họa vào thân.
Gửi phản hồi
In bài viết