Bà - nước - rác

- Chẳng biết tự bao giờ, hàng xóm đã gọi bà bằng cái tên “nghề phụ” của bà vậy. Tên gốc Vũ Thị Lành của bà, may ra có bác tổ trưởng dân phố biết. Quê hương mãi Thái Bình. Khi bé Lành được ba tuổi, thì bố mẹ dắt díu nhau lên đây khai hoang, đến nay đã qua một vòng con giáp. Tuổi trẻ, cô Lành vào làm công nhân trồng rừng tại lâm trường huyện. Hơn bốn mươi tuổi, về hưu, tiền lương lèo tèo, chỉ đủ tiền mua thuốc cho ông chồng ốm đau, bệnh tật. Hai đứa con gái, lấy chồng xa tít tắp, thỉnh thoảng mới về thăm lại dúi cho bố mẹ ít tiền rồi đi. 

Nhờ chắt chiu, gom góp, ông bà đã có ngôi nhà xây, nằm bên rìa phố, kín trên, bền dưới. Mấy năm nay, một mình bà xoay sở, lo cuộc sống cho hai người cao tuổi. Đất vườn rộng, bà tranh thủ trồng rau, thả đàn gà, nuôi vài con lợn. “Nghề nước rác” của bà bắt đầu từ đó. Hồi mới về nghỉ, bà rửa bát thuê cho một nhà hàng. Là người chăm chỉ, ngăn nắp và sạch sẽ nên nhà chủ luôn tin tưởng và quý trọng bà. Ngoài tiền công, bà xin những đồ ăn thừa của khách mang về chăn lợn, gà, chó, mèo. 

Đời sống xã hội đã có phần dư giả, các nhà hàng, người ta bỏ lại thừa mứa đồ ăn. Bà vẫn tâm đắc câu nói: “Tiết kiệm là Quốc sách”. Bà nước rác gom đồ thải, dồn vào hai cái xô, cho lên xe đạp chở về. Bà phân loại, đồ cho gà, thứ cho lợn, chó. Khi chúng không còn là thức ăn cho vật nuôi nữa, rác thải đó được trôn lấp, ủ cùng phân chuồng, thành chất hữu cơ, bón cho cây trồng. Bà tự mình điều tiết vòng luân hồi của chất hữu cơ. Nghề trồng rừng đã cho bà kỹ năng sống với thiên nhiên. Thế nên, vườn rau nhà bà, tràn ngập màu xanh. Nhà bà cũng chẳng có đủ tiền mà nuôi bằng thức ăn tăng trọng nhanh. Thứ gì cũng đắt đỏ so với đồng lương hưu còm cõi của hai vợ chồng già. Mấy con lợn béo núc ních, đàn nọ gối đàn kia. Chỉ cần bà đánh tiếng, thợ mổ đã có mặt.

Đang an nhàn thì một cơn đột quỵ đã cướp mất ông. Bà cũng đã chăm chút thuốc men, nâng giấc cho ông đến giây phút cuối. Các con cháu về đông đủ, được dăm bữa, nửa tháng chúng lại đứa nào, phận nấy. Dù tuổi cao, nhưng như đũa phải có đôi. Bà lặng lẽ một mình hương khói cho ông. Sau ngày ông mất, bà Lành không đi rửa bát thuê nữa. Bà mang xô gửi ở các nhà hàng, hết ngày mới mang về để chăn nuôi. Dấu chân bà già thui thủi, in khắp sân vườn. Căn nhà như trống rỗng hoang vu. 

Bỗng một hôm, ma xui, quỷ khiến thế nào mà cô bạn lâm trường ngày xưa mò đến thăm. Quà cáp lỉnh kỉnh, nào măng, trám, trứng vịt, và con gà. Hai người bạn già, tranh nhau nói, hết chuyện trên giời đến dưới bể. Cuối cùng bà khách mới nói đi tìm chỗ thuê trọ cho cháu vừa đỗ vào trường Chuyên. Bà Lành mừng rỡ. Gương mặt ánh lên niềm vui. Bà nói luôn, chẳng phải thuê mướn ở đâu, cho nó về ở với tôi. Bà chỉ cần cung cấp gạo ăn cho cháu hàng tháng. Thực phẩm không phải lo, toàn rau màu và thực phẩm sạch, tôi làm được. 

Từ ngày có thêm cháu Lâm, bà-nước-rác vui hẳn. Bà lo chu đáo bữa ăn, sinh hoạt, giặt giũ cho hai bà cháu. Cuối ngày bà đạp xe đi lấy đồ thừa ở các nhà hàng để chăn nuôi. Rảnh việc học, Lâm giúp bà những việc vặt, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm. Con bé còn hướng dẫn bà cắm hoa, sử dụng điện thoại thông minh. Buổi tối, bà Lành nằm trên giường bật Zalo gọi điện cho con, xem mặt từng đứa cháu. Nhìn thấy con cháu vui cười, đùa nghịch, thế là hạnh phúc. Với bà, những thứ tưởng như bỏ đi mà vẫn mang lại lợi ích cho xã hội, đó là việc làm đẹp.

Lê Na

Tin cùng chuyên mục