Lộc xuân

- Phào nhìn cánh rừng trước mặt, không giấu được niềm vui đang chộn rộn trong lòng. Mấy ngày nay mưa xuân rả rích, đất thẫm đen lại, nhưng cây vươn mình rất nhanh.

Cánh rừng này, chục năm trước là đồi trọc. Dân trong bản Phào quen với kiểu sống ngày nào lo ngày đấy. Đói thì lên rừng phát nương làm rẫy. Cả quả đồi trơ khấc, xám bạc. Mấy năm trước, bản chịu trận lũ quét khủng khiếp. Trâu bò lợn gà, cả người, cả nhà, theo dòng nước cuốn đi trong đêm, như mảnh ni lông thả trôi nhẹ nhàng qua dòng suối trước mặt những ngày thanh lặng.

Phào khi ấy đang học ở trường Nội trú huyện. Người nhà của Phào may mắn bình yên. Nhưng con trâu béo tốt nhất nhà, có giá trị nhất nhà đã theo dòng lũ một đi không trở lại. Mẹ Phào tiếc của, gương mặt phờ phạc cả tháng trời.

Phào sợ lắm. Hôm nay là con trâu, không biết ngày mai sẽ là cái gì, ai dám chắc không phải mẹ Phào, không phải anh trai, chị dâu hay mấy đứa cháu của Phào…

“Phải trồng lấy rừng thôi” - Phào nghĩ thế. Và Phào làm thật. Ngày Phào đưa cây keo, cây mỡ về cuốc từng hố đất ở khoảnh đồi xám bạc, cả làng cười bảo “cái đầu nó không bình thường, nó đòi lo cả việc của ông trời”. Nhưng Phào bỏ qua hết. Một mình anh vừa cuốc hố, vừa tháo bầu, vun vun xới xới ngày qua ngày.

Những hàng cây được trồng ngày càng nhiều. Bản cũng tự nhiên có mạch nước ngầm, thứ đã bỏ bà con đi từ rất lâu rồi. Bầy chim rừng cũng thế, ríu rít chuyền cành, cất tiếng hót như thầm cảm ơn người ươm rừng trở lại.

Mấy năm nay, chuyện Phào trồng rừng, giữ đất, giữ nước được nhiều  người biết đến hơn. Dân bản cũng không cười Phào nữa, mà bắt tay cùng anh cuốc hố, ươm từng cây non.

Nhìn những lộc xuân mơn mởn vươn lên từ đất, Phào khẽ mỉm cười. Chuyện ươm rừng, giữ đất với người ở bản, giờ đã không còn là chuyện của ông trời nữa…

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục