Ông Tâng

- Gia sản của ông không có gì ngoài ngôi nhà tranh vách đất và cái túi vải ông mang theo mỗi ngày đến các vùng quê bắt bệnh, cắt thuốc cho người dân. Người làng nào cũng yêu quý, nể trọng ông, ngay cả bọn trẻ con cũng thế, thấy ông là chúng sà đến hỏi đủ chuyện.

Người ông nhỏ thó, hàm răng không còn nữa, giọng nói phập phà phậm phồng như bố tôi thở dốc lúc bổ củi. Tôi thì khác đám trẻ ở làng, mỗi lần ông đến nhà bắt bệnh cho nội, tôi đứng nép sau liếp cửa nhìn vào. Mỗi lần thấy ánh mắt ông xéo đến chỗ mình đứng, tôi ngồi thụp xuống.

Giọng ông thều thào nhưng ấm áp, bảo cháu gái, vào đây với ông. Ông vẫy vẫy, nhẹ nhàng nói, đây, ngồi vào đống này, khà khà, sao lại nem nép sợ sệt vậy. Nghe giọng đầy chất quê nhà của ông khiến tôi thấy gần gũi hẳn. Tôi nghe nội bảo, nhà mình cùng quê với ông Tâng. Thì ra tên ông là Tâng, vậy mà đám trẻ làng và cả tôi nữa biết ông từ bé tẹo nhưng chả đứa nào biết tên ông cả. Chỉ thấy người làng gọi ông là ông Lang thôi. Hôm ấy, nội tôi buột miệng nói tên thật ông nên tôi mới biết, chứ ở quê tôi bọn trẻ ít biết tên thật người lớn bao giờ. Nhà tôi cũng thế, nội tôi mang tên bác cả, bác cả lấy tên con cả, người không có con người ta thường lấy cái nghề, cái việc nào đó để gọi thay cho tên thật. Có lần tôi hỏi mẹ, sao làng mình lại có ông Đội Bờ, mẹ cũng lắc bảo để mẹ hỏi nội đã. Ông Tâng làm nghề thầy thuốc, người làng gọi ông là ông Lang.

Phải là thân thiết lắm thì mới biết tên thật của nhau hoặc chỉ khi người đó mất đi rồi thì tên thật mới được giải mã. Sau này tôi mới biết, ông Tâng và nội tôi là người cùng làng, nội sang bên sông lập nghiệp và định cư luôn ở đấy. Ông Tâng vẫn thường qua đò sang chơi với nội. Những lúc ấy nhà tôi đông nghịt người đến nhờ ông thăm bệnh. Người già được ông ưu tiên trước rồi đến trẻ nhỏ, phụ nữ. Tôi vẫn nép sau liếp cửa nhìn đôi tay ông bắt mạch cho từng người. Lúc ấy, ông Tâng khác lắm, mắt ông nhắm tịt, hai má tóp lại như dành toàn bộ sự tâm huyết, trách nhiệm của mình dành cho người bệnh. Người ta phục ông chỗ bắt mạch, bệnh khó tìm đến mấy cũng được ông Tâng bắt mạch ra hết.

Năm trước, tôi trông thấy bằng thật, có một cô ở xóm dưới tự nhiên lăn quay ra ốm, đến trạm xá, lên cả bệnh viện huyện mà vẫn chịu thua. Người ta đón ông Tâng chỉ là giải pháp cuối cùng thôi, bệnh viện trả về rồi hoặc gia đình không có điều kiện đi viện cứu chữa. Thần kỳ thật, cô hàng xóm được ông Tâng bắt mạch bình phục dần, hai tuần sau cô tự ngồi dậy được, đi lại, quét nhà, gánh nước.

Người làng thấy chuyện đó như bình thường vì ông Tâng cứu được những người tưởng như chết rồi cũng là thường tình. Nhưng cũng có ca ông lắc đầu đấy. Một lần, tôi theo nội cùng ông Tâng đến bắt mạch cho một người mà bệnh viện đã trả về. Nắm tay người bệnh bắt mạch, ông chép miệng rất buồn ràu, đôi mắt thăm thẳm rồi gục xuống nức nở. Không biết bao lần ông Tâng phải rơi nước mắt như thế vì bất lực khi mệnh người không còn nữa.

Tôi lớn lên giữ trọn ký ức về hình ảnh ông Tâng. Năm nào tôi cũng về quê vào dịp này để tặng quà ông Ngày Thầy thuốc. Giờ ông già rồi, đôi chân không còn đủ sức đi thăm bệnh cho mọi người nữa. Ngôi nhà ông ở không tuềnh toàng như xưa nữa, người bệnh khắp nơi góp lại làm cho ông căn nhà xây nhỏ thôi. Cả cuộc đời chữa bệnh cứu người, ông Tâng không lấy tiền của ai bao giờ, cũng không cần người bệnh phải trả lễ gì cả. Lúc nào ông cũng cười vui khi gặp mọi người. Làng tôi ai đi xa quê cũng nhớ ông, mong được về thăm ông để hòa vào nụ cười hiền hậu ấy.

Trịnh Thành Công

Tin cùng chuyên mục