Tôi không dám nhìn thầy, cố giấu những giọt nước mắt. Không hiểu thế nào, mỗi lần đối diện với thầy là tôi lại hay khóc thế. Có lần thầy hỏi, “chúng mày thương hại thầy lắm hả”. Bọn chúng tôi đều im lặng. Thầy sống tình cảm nhưng nóng tính, không nên không phải là thầy mắng tới tấp. Dạo chúng tôi học thầy, có đứa mải nghịch, không hiểu bài, thầy đuổi ra khỏi lớp, có đứa thầy bắt quỳ cả buổi vì không làm bài ở nhà… Giờ mỗi lần thăm thầy, chúng tôi hùa nhau kể lại chuyện đó và trêu thầy, nếu ở thời bây giờ thì thầy bị kiện cho “vỡ đầu”. Thầy lại vuốt vuốt chòm râu bạc, ánh mắt nhìn xa xăm.
Lũ trẻ làng chúng tôi dạo đó không có thầy thì khó mà nên người như bây giờ được. Vùng quê kiệt quệ sau bao năm đồng đất hoang hóa do cơ chế bao cấp để lại, người làng đổ đi khắp nẻo tìm kế sinh nhai, chuyện học của con trẻ chỉ là thứ yếu. Mãi sau này tụi tôi mới biết thầy là người Hà Nội lên đây lập nghiệp từ thủa đôi mươi nhưng sau vụ tai nạn năm ấy, thầy bị mất hoàn toàn trí nhớ nên thầy phải từ bỏ nghiệp dạy chữ. Thầy sống trong tình yêu thương của người làng, trí nhớ dần bình phục nhưng thầy không đủ sức đứng lớp nữa, thầy buồn bã cất đi nỗi nhớ nghề. Đám trẻ làng tôi như củ khoai củ sắn lớn lên, đến tuổi dựng vợ gà chồng, cái đói nghèo, lạc hậu bủa vây mãi.
Mỗi buổi chăn trâu về, tôi thích thú ghé thăm nhà thầy chơi. Thầy quý trẻ nên tôi đến thầy vồn vã, luộc khoai cho tôi ăn, rồi chuyện trò rôm rả. Thầy hỏi tôi về chuyện học, tôi im lặng vẻ mặt buồn bã. Thầy bảo: Có thích học không, thầy dạy. Tôi ngước mắt nhìn thầy, nhìn những cuốn sách được thầy xếp ngăn nắp ở phía cuối chiếc chõng tre thầy nằm buổi trưa hóng mát thấy lòng nôn nao khó tả. Tôi và đám bạn vẫn là học sinh của trường xã nhưng có mấy khi đến lớp đâu, chủ yếu ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, giúp bố mẹ việc nhà, vậy nên con chữ cứ mãi xa vời vợi. Thầy cho tôi mượn những cuốn sách để đọc, rồi hướng dẫn tôi cách làm toán, tôi thích thú làm hết bài này đến bài khác, từ quy đồng mẫu số, toán tích phân đến đạo hàm, hình không gian… có hôm còn quên cả đánh trâu về nhà.
Phía bên kia quả đồi là nhà tôi ở có tiếng cha gọi và càu nhàu giờ này còn chưa đánh trâu về. Thầy bảo, thôi về đi, mai lại sang thầy dạy. Tôi còn được thầy cho mượn sách về đọc, mấy cuốn truyện Kiều, truyện tiếu lâm, truyện cổ tích tôi đọc cười rúc rich cả trưa. Mấy thằng cùng tuổi tôi cũng mượn lại để đọc, sách cứ truyền tay nhau nhen nhóm tình yêu con chữ trong lũ trẻ làng. Tôi rủ đám bạn đến nhà thầy mượn sách, thầy đón chúng tôi như những người bạn thân tình, rồi đưa cho mỗi đứa một cuốn, cặn kẽ chỉ bảo cách hiểu thông điệp từ cuốn sách này, cuốn sách kia. Thầy vốn là giáo viên dạy Toán nhưng lại đam mê văn học, thơ ca thầy thuộc nhiều, chúng tôi thích thú nghe thầy ngâm thơ và kể chuyện cổ tích. Chúng tôi năng đến trường học hơn nhờ những con chữ thầy dạy.
Đám trẻ làng năng đến nhà thầy hỏi bài, thầy thấy vui trong lòng bởi con chữ như được thắp sáng lên ở vùng đất này. Thầy tự tay đóng bảng, tự nguyện mở lớp dạy học miễn phí cho lũ trẻ làng từ cấp 1 đến cấp 3. Từ ngày có lớp học của thầy, lần đầu tiên ở làng có học sinh đi học cấp 3, có học sinh đi thi học sinh giỏi ở huyện, tỉnh. Tôi và đám bạn cùng lứa rất tự hào là những người đầu tiên đi học cấp ba dưới sự giúp đỡ, dạy dỗ của thầy. Chúng tôi cùng nhau lên trường huyện học, cha mẹ còn nghèo nên có lúc phải tự lo tiền ăn, chỗ ở. Nhưng điều đó với chúng tôi là chuyện nhỏ bởi phía sau có hình bóng thầy đầy ắp nghị lực và tình yêu học trò. Chúng tôi tựa vào thầy để vượt qua gian khó, để mà lớn lên mỗi thằng một nẻo lập nghiệp, có thằng làm doanh nhân, có đứa làm bác sỹ, kỹ sư cả. Người làng từ trước đến giờ vẫn lấy chúng tôi làm gương cho bọn trẻ noi theo, vẫn kể về người thầy thầm lặng giúp lũ trẻ làng thêm yêu con chữ.
Gửi phản hồi
In bài viết