Nốt nhạc xuân

- Ông là người Hà Nội chính gốc, lịch lãm, tài hoa và lãng mạn. Hình ảnh ông cùng cây đàn ghita thăng hoa ngồi hát cùng bạn bè nên người ta cứ nghĩ ông là nhạc sỹ, nhà thơ gì đấy chứ không phải là một kiến trúc sư từng thiết kế những ngôi nhà đẳng cấp, nguy nga ở thành phố trẻ này.

Công việc thiết kế với ông nhẹ tựa lông hồng, mỗi khi ngồi vào máy, mạch nguồn như tuôn chảy. Vậy nên, chả khi nào ông hết đơn hàng, ông kiếm được khá nhiều tiền nhưng lạ là nhìn ông rất giản dị, ăn mặc phủi lắm. Chả biết tiền của kiếm được thế mà có lúc người ta còn thấy ông đi xe đạp, đi bộ, hỏi sao không mua ô tô, ông cười hồn hậu bảo, tiền đâu ra mà tô với ta.

Phố núi này như một bức họa trong các bài hát của ông. Thơ của văn nghệ sỹ được ông phổ nhạc, rồi tự sáng tác, người nghe như thấy mình như đang đu đưa với sắc cảnh mà mình đã gặp, đã thấy, nào là đỏng đảnh con đò, bến phà nghiêng nghiêng, cây di lăng ngẩn ngơ buồn... Tất cả trở nên thật đẹp, người nghe thật tự hào, trân trọng, yêu thương phố núi này hơn. Các văn nghệ sỹ kéo ông về nhà, những nốt nhạc xuân như tươi thắm hơn bởi sự tương phùng tương ngộ ấy. Rồi ông bỏ tiền in cả tập nhạc viết riêng cho phố núi này tặng các trường học, thư viện. Nhuận bút nhà xuất bản gửi ông cũng tặng luôn học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Nói đến nghĩa tình này, các văn nghệ sỹ khắc ghi mãi tấm lòng của ông. Người ta cứ nghĩ ông chỉ biết vẽ nhà và hát thôi, có những buổi hát kéo dài từ sáng đến chiều ở nhà bạn văn nào đó. Văn nghệ sỹ ngày đó nghèo lắm, nhà ở tạm bợ nhưng với họ điều đó không quan trọng gì cả, cứ vui là được. Nhưng sau những buổi lên đồng với những ca khúc mà mình viết ra, hình ảnh những căn nhà ọp ẹp của bạn mình lại hiện ra, kéo ông về thực tại. Ông lại chăm chỉ làm việc, có khi cả tuần cánh văn nghệ sỹ không thấy ông đâu, cứ nghĩ ông về Hà Nội thăm vợ con. Nhưng không phải, ông ngồi thu lu ở một căn phòng trọ tạm để vẽ, thiết kế nhà theo đơn hàng của khách. Bao nhiêu tiền thu được, ông mang chia cho mỗi người bạn thơ, nhạc một phần nhưng không ai dám nhận cả. Họ bảo, như thế là lợi dụng nhau, chúng tôi sống thanh bạch, nghèo chút còn hơn là mang tiếng lợi dụng bạn bè. Ông lại mang cây đàn ra gảy, hát những bài về tình bạn, chia ngọt sẻ bùi trong nhau khiến ai cũng cay cay sống mũi. Ông bảo, nhà tôi cũng không giàu như các ông tưởng đâu, khi nào mời các ông về Hà Nội, ghé qua thăm nhau. Nhưng tôi có nhà xây rồi, cũng muốn bạn bè ở trong căn nhà đẹp đẽ hơn. Tôi làm nghề vẽ nhà đẹp cho thiên hạ mà để bạn bè thế này, đành sao được…

Cây đàn ghita lại được ông cất lên khuông nhạc xuân ấm áp, đầy ắp nghĩa tình bè bạn. Ông giúp từng người bạn văn sỹ chưa có nhà kiên cố xây ngôi nhà mới, giúp bạn mua ti vi, mua cho con bạn cái xe đạp. Giờ ông có tuổi rồi, ông không còn lên phố núi này thường xuyên nữa nhưng anh em văn nghệ sỹ mãi nhớ về ông, biết ơn trước những tình cảm đẹp đẽ, đầy ắp tình người của một kiến trúc sư tài hoa yêu thi ca nhạc họa. Mỗi lần sáng tác được bài hay, ông đưa lên Facebook đính kèm tên bạn bè ở phố núi, mối kết giao ấy vẫn ấm nồng, khuông nhạc ấy vẫn vang lên trong tâm thức từ mỗi văn nghệ sỹ thành phố trẻ này.

Trịnh Thành Công

Tin cùng chuyên mục