Người vác tù và...

- Ông là bí thư kiêm tổ trưởng dân phố. Cái việc vác tù và hàng tổng này, nhiều cán bộ nghỉ hưu như ông thường tìm mọi cách để “giãy”. Ông cũng chả ham, nhưng nhìn đi nhìn lại cả xóm, mình cũng giãy thì còn ai.

Thế là chuyện ma chay cưới xin, thăm hỏi ốm đau, can gián mâu thuẫn các loại đến tặng quà thiếu nhi học giỏi, đại đoàn kết... ông gánh. Nói thì nhẹ bẫng thế, nhưng làm được từng ấy việc chả hề nhẹ.

Riêng chuyện làm nhà văn hóa tổ đã là một kỳ công. Đất đã được cắm, lại ở vào vị trí “bờ xôi ruộng mật” nên có biết bao phiền toái trước ngày khởi công. Có người khuyên nên chung với tổ khác cho tiết kiệm tiền xây dựng. Sang tận tổ ấy ngắm, nhà văn hóa quy mô chỉ 80 chỗ. Cuộc nào có thêm bà con tổ mình thì ngồi đâu? Lại có người nói nhỏ, dụ ông lui vào một tí để có khoảng lưu không rộng hơn cho lô bên cạnh. Tất nhiên lời khuyên lời dụ rỉ tai đều kèm theo hứa hẹn hấp dẫn cho riêng ông.

Nhưng ông không chịu. Không có đất thì mới chung tổ khác, đằng này đã được cắm hẳn hoi. Lại còn rỉ tai về chỗ lưu không - nghe thì cá nhân mình được lợi, nhưng cái nơi sinh hoạt chung của bà con cả tổ bị hẹp lại. Ngày họp bình thường đã đành, ngày có hội hè lấy đâu ra chỗ đi lại, nước nôi, nói gì đến chuyện tập thể thao hay nơi nấu nướng, chỗ vệ sinh.

Vậy là ông quyết không. Nhưng phàm đã là chuyện đất đai, lại ở nơi đắc địa thì không hề đơn giản. Ông cùng ban chi ủy, trưởng các đoàn thể bàn nát nước. Mục tiêu là phải xây dựng được cái nhà văn hóa của tổ trên đúng khu đất ấy, diện tích ấy.

Vừa hay có tin đoàn cán bộ lãnh đạo sắp đến thăm vị đại tá già trong tổ. Ông sang nhà đại tá trình bày quyết tâm làm nhà văn hóa, cậy đại tá trong câu chuyện cần truyền tải cho được quyết tâm ấy với lãnh đạo, rằng thế này, thế này... Sao cho không chung chạ, không giảm diện tích để người khác hưởng lưu không lưu khiếc gì.

Rồi lúc cuộc thăm hỏi đến hồi thân tình cởi mở nhất, vị đại tá trình bày nguyện vọng của tổ. Lãnh đạo nhất trí ngay. Ai nấy đều phấn khởi, vậy là sắp có nhà văn hóa.

Nhưng rồi (lại nhưng) chờ mãi vẫn không thấy quyết định phê duyệt. Lại chụm đầu bàn. Lại là ông lãnh việc tìm gặp trực tiếp vị lãnh đạo hôm trước để trình bày lại nguyện vọng của tổ. Nhận thì nhận thế, nhưng việc đến cửa quan, bao đời nay là cái việc chao ôi là ngại ngần, diệu vợi. Lãnh đạo bận trăm công nghìn việc, mình đăng ký gặp chắc gì đã đến lượt. Mình hưu trí đã lâu, có gọi điện, xưng tên chắc gì đã nhớ. Ấy là chưa kể nhỡ ai nhìn thấy, ngỡ mình thậm thụt xin xỏ cá nhân... Mà ông vốn khái tính, xưa nay có xin xỏ ai việc cá nhân bao giờ.

Thôi thì, “xấu mặt kẻ xin tương”, ông quyết đi đăng ký xin gặp. Được ngay một cái hẹn. Đầy phấn khởi, ông bỏ qua hết các thứ mặc cảm trên kia, vững tâm đến trình bày ngọn ngành.

Chuyện làm nhà văn hóa từ ấy cứ trôi nhanh hối hả. Hô hào đóng góp, bà con ai nấy hưởng ứng ngay. Nhà có điều kiện ủng hộ gấp đôi gấp ba, bù cho nhà khó được miễn. Đảng viên tổ 213 ủng hộ ngoài phần đóng góp của hộ mình. Mấy doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ... Ban quản lý gồm toàn người biết việc, tự thiết kế theo mẫu quy định, giám sát thi công, mua sắm vật tư. Tiết kiệm gần phần ba chi phí so nhiều nhà văn hóa cùng loại. Lãnh đạo thành phố đến tận nơi thị sát, quyết cấp ngay toàn bộ tấm lợp.

Ngày khánh thành vui hoan hỉ. Chỗ đất ngày trước định làm lưu không cho lô bên cạnh, nay thành chái nhà. Chị em phụ nữ thoải mái dao thớt nồi niêu xoong chảo mỗi dịp liên hoan 8-3 hay đại đoàn kết.

Người phấn khởi nhất vẫn là ông. Việc có lợi cho dân thì hết sức làm, ắt sẽ có thành quả.

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục