Chuyện của Dấu

- Con không đi học trường nội trú đâu?

- Mày không nghe tao mày không nên người đâu?

- Nhưng con hơn thằng Sùng, thằng Lềnh tới 4 - 5 tuổi. Giờ học cùng lớp chúng nó xấu hổ lắm!

- Mày thà xấu hổ hay thà không biết chữ? Mày muốn đời mày cũng nghèo đói như bố mẹ mày à… Đi học không mất tiền, lại được nuôi cả ăn, bữa cơm lại có thịt nữa. Sướng lắm, không khổ như ở nhà đâu!.

Nghĩ đến bữa cơm có thịt, Dấu ứa nước miếng. Cả năm, nếu nhà không có đám, không phải ngày lễ, tết hay có khách quý chơi nhà thì chỉ có ăn cơm với rau rừng. Mùi thịt lợn thơm, béo ngậy kích thích vị giác, khiến Dấu không kìm được lòng. Bố nói phải, cứ đi học đã, ít nhất là no cái bụng.

Lớp học của Dấu có nhiều độ tuổi. Đứa nhiều nhất thì hơn Dấu 4 - 5 tuổi, đứa ít nhất học đúng tuổi thì kém Dấu cũng tới 3 - 4 tuổi. Kệ, tuổi tác không quan trọng, học biết lấy cái chữ đã. Ấy vậy mà Dấu lại trong nhóm học giỏi của lớp. Có lẽ vì Dấu hơn tuổi phần nửa lớp. Rồi cái lợi thế cao tuổi ấy còn được cô giáo, bạn bè tín nhiệm cho làm lớp trưởng, rồi Liên đội trưởng.

Môi trường đã tôi rèn khiến Dấu trở thành con người khác hẳn. Dấu còn được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ đánh trống vào buổi sáng hàng ngày để báo hiệu học sinh thức dậy tập thể dục buổi sáng trước giờ vào lớp; rồi đánh trống đi ngủ. Những bài tập nghi thức đội Dấu cũng thuần thục, tự tin đứng trước hàng trăm học sinh toàn trường hướng dẫn, điều hành, ra lệnh đâu ra đó. Dấu còn vinh dự được kết nạp Đảng ngay trong trường học trong sự ngưỡng mộ của bạn bè cùng trang lứa và niềm tự hào của bố mẹ.

Nhưng rồi, khi ngưỡng cửa Đại học đến, Dấu lại không chinh phục được. Nhưng bố bảo: Con về nhà làm nương với bố, không đói đâu. Dấu ngậm ngùi: Đành vậy, tuy trong lòng ấp ủ bao dự định.

Nhưng không ngờ, cánh cửa đại học đóng lại thì cánh cửa khác lại mở ra. Dấu về cùng bố mẹ chăm sóc nương chè, đến kỳ thu hái, đóng gói cho thương lái kiếm đồng ra đồng vào. Thế rồi Dấu phát hiện, thương lái đến mua hình như nhiều tiền lắm. Họ bảo, họ thu mua chè búp rồi về sao sấy, thành thương hiệu chè Shan tuyết nổi tiếng, giá bán tới cả triệu đồng/kg. Họ không có nghề chè mà còn làm giàu từ chè, vậy mình có cả đồi chè, sao không biết làm giàu? Nghĩ đến đây Dấu bắt đầu tính chuyện làm “liều”.

Thay vì chỉ chăm sóc đồi chè của gia đình, Dấu đã liên kết với một số hộ trong thôn cùng thu hái, rồi thành lập cơ sở chế biến ngay tại thôn. Sản phẩm của bà con trong thôn tuy làm thủ công nhưng được cái sạch, nguyên chất nên bán rất được giá. Tuy nhiên, Dấu chưa muốn dừng lại ở đó, kiến thức sách vở thời phổ thông giúp Dấu hiểu rằng, thời buổi kinh tế thị trường, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau.

Thế là Dấu tìm hiểu, nghiên cứu các thủ tục thành lập HTX do Dấu làm chủ nhiệm và các hộ trồng chè là xã viên. Từ vài ba hộ ban đầu đến nay HTX lên đến hơn chục nóc nhà, hay nói đúng hơn là toàn bộ hộ trồng chè của thôn đều là thành viên HTX. Vui mừng hơn khi sản phẩm chè Shan tuyết của HTX từ đạt OCOP 2 sao, rồi 3 sao và 4 sao.

Dấu vui lắm. Chè Shan tuyết không chỉ là cây phòng hộ che chở dân làng vượt qua thiên tai, bão lũ mà còn giúp bà con ấm cái bụng, ấm cả tình làng. Nhìn lũ trẻ con tranh thủ rảnh rỗi cùng bố mẹ thu hái búp chè, vừa mải mê khoe về kết quả học tập, Dấu mỉm cười. Chúng chính là những búp chè non tươi mới mang đến những mùa no ấm cho bản làng.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục