Thiền viện Trúc Lâm Chính pháp Tuyên Quang.
(Tiếp theo và hết)
Kết quả khảo cổ ở 37 di tích chùa ở Tuyên Quang và một số chùa ở Hà Giang cho thấy thêm một chứng cứ khẳng định: thời Trần, Phật giáo phát triển mạnh ở Tuyên Quang.
Năm 2019, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tuyên Quang đã đưa các nhà báo và nhà sử học đến chùa Phúc Lâm ở huyện Lâm Bình. Tại đây bà cho biết: năm 2007 cùng thời với việc khai quật khu di tích Hắc Y ở Lục Yên, các nhà khảo cổ đã khai quật khu vực chùa Phúc Lâm ở Gò Chùa, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.
Tại đây đã tìm thấy một số bộ phận của cây tháp đất nung màu đỏ gạch, thuộc về hai cây bảo tháp, trong đó có một cây tháp lợp ngói ống, đầu ngói in nổi bông hoa 8 cánh, ở góc mái gắn liền lá cách điệu... một cây lợp ngói ống, đầu in nổi bông hoa 8 cánh, ở góc mái gắn liền đầu chim phượng. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là cây tháp chính của chùa vì bốn góc có tượng chim thần GaRuDa, ngoài ra còn có mảnh bệ tháp hoa sen không biết của tháp nào. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện các bộ phận cửa của cây tháp tráng men trắng, cửa màu men nâu, trên mảnh cửa tháp có hàng chữ Hán ghi “Phúc Lâm Tự” đã khẳng định chùa cổ tên là Phúc Lâm.
Các nhà khảo cổ còn phát hiện tại đây một cây bảo tháp nhỏ các tầng đúc liền khối, là một trong ba cây tháp được phát hiện tại di tích này. Cây bảo tháp làm rời và lắp ráp từng tầng ở các chi tiết trang trí góc mái, trang trí hoa 8 cánh ở đầu mỗi viên ngói ống, hoa 4 cánh ở tường các tầng thấp...
Như vậy các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những cây bảo tháp trong di tích chùa Phúc Lâm. Trong số những cây bảo tháp đó, có 2 cây bảo tháp cao cấp làm từ gốm men và 5 cây bảo tháp làm từ đất nung, đặc biệt nữa là tại bốn góc của đế tháp có tượng chim thần GaRuDa trong tư thế hai tay đỡ bệ sen. Tại chùa còn thu được hai tượng sư tử bằng đất nung, đây là tượng sư tử trên lưng đặt bệ sen và tượng phật... và nhiều hiện vật có giá trị khác.
Từ các hiện vật thu được các nhà Khảo cổ học đánh giá “đây là ngôi chùa được khởi dựng vào thời Trần sớm, khoảng thế kỷ thứ 13,... chùa Phúc Lâm có mối quan hệ gần gũi với các ngôi chùa khác ở tuyến sông Chảy như Hắc Y, Thượng Miện”... “Là một trong số ít ngôi chùa ở vùng núi phía bắc đã cung cấp tư liệu về những cây bảo tháp thời Trần được dựng trong một ngôi chùa”... “ở phía đông sông Gâm có một ngôi đền liên quan đến Trần Nhật Duật, đó là đến Pác Tạ, đền được làm dưới chân núi Pác Tạ thờ vị hôn phu của Trần Nhật Duật mà cổ sử không ghi chép” (trang 162 - 163 Các di tích kiến trúc chùa tháp Lý - Trần tỉnh Tuyên Quang - Bảo tàng Tuyên Quang 2020). Những đánh giá này cho thấy chùa Phúc Lâm cũng được làm dưới thời Trần Nhật Duật cai quản Tuyên Quang!
Hòa thượng Thích Gia Quang trao phái quy y đến các Phật tử tại Tuyên Quang.
Tại khu di tích chùa Bình Lâm nằm trên đồi Pom Mèo thuộc thôn Tông Mường, xã Phú Linh thời Trần thuộc Trường Phú Lệnh, châu Bình Nguyên thuộc Tuyên Quang, các nhà khảo cổ tìm thấy còn một số hiện vật của thời Trần như tháp đất nung, hai bình gốm hoa nâu độc đáo cao 23 cm được tạo giáng theo hình con voi to và mập. Bốn chân voi đứng thẳng bằng trên một đế hình chữ nhật, diềm đế có khắc chìm cánh sen to xen nhỏ. Trên lưng voi là miệng bình hình tròn cao trội lên được trang trí hai tầng cánh sen nổi, cánh to cánh nhỏ..., cùng một số mảnh đất nung có họa tiết hoa chanh thu được ở khu vực nền chùa cũ được các nhà khảo cổ đánh giá đây là các hiện vật của thời Trần.
Điều đặc biệt quý là trong chùa còn giữ được chiếc chuông đúc bằng đồng, bốn mặt còn 309 chữ Hán khắc chìm. Qua bài Minh của chiếc chuông này ta biết, chuông do Thủ lĩnh Nguyễn Anh và vợ là Nguyễn Thị Ninh cùng thiện nam tín nữ trong làng dốc lòng vì đạo Phật đã làm lên ngôi chùa Bình Lâm. Ông bà đã phát tâm “đúc một quả chuông lớn vào giờ Ngọ ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1295) ở mái hiên chùa Thượng Niên viện Đại Bi trong thành để lữu giữ mãi ở chùa Bình Lâm...” (Lý lịch di tích chùa Bình Lâm, xã Phú Linh - tx Hà Giang). Theo đó ta biết, chuông này được đúc vào năm 1295 là năm Trần Nhật Duật vẫn còn sống và vua Trần Anh Tông cai trị đất nước với niên hiệu Hưng Long.
Tại chùa Sùng Khánh ở thôn Làng Nùng, thời Trần gọi là hương Hoàng Nông, Thông Giang Trường Phú Linh, châu Bình Nguyên cũng thuộc Tuyên Quang thời Trần, trong chùa còn một tấm bia đá, theo bài minh trên bia thì chùa này do chú của Phụ đạo (chức quan dành cho Tù trưởng) là Nguyễn Ẩn tự là Văn Giác lập ra chùa năm 1356 bài minh được viết năm 1367 đời vua Trần Dụ Tông (Lý lịch di tích chùa Sùng Khánh xã Đạo Đức - tx Hà Giang).
Mới đây Bảo tàng Tuyên Quang cùng các nhà khảo cổ đã công bố 37 di tích chùa thời Trần trong toàn tỉnh, trong đó ở Sơn Dương có 21, Yên Sơn 2, Chiêm Hóa 7, Hàm Yên 2, TP Tuyên Quang 2 và 1 ở Lâm Bình. Trong số 37 di tích này, có nhiều trung tâm khác như Trung tâm Phật giáo chùa Lang Đạo ở Sơn Dương; Trung tâm chùa tháp núi Man ở Nhữ Hán Yên Sơn; Trung tâm chùa tháp Kim Ninh; trung tâm Phật giáo chùa Nậm Dầu ở Hà Giang... cho thấy thời Trần, Phật giáo phát triển rất mạnh.
Việc phật giáo phát triển mạnh ở Tuyên Quang trong thời Trần cho thấy chính sách đoàn kết các dân tộc nằm trong kế sách “Nhu Viễn”, “Thân dân” của Nhà Trần được nhà Trần triệt để thực hiện. Nhờ đoàn kết được các dân tộc này thông qua Phật giáo, nên trải qua bao lần giặc ngoại xâm muốn xâm lược nước ta qua đường Tuyên Quang, đều bị Nhà Trần cùng quân và dân Tuyên Quang đánh bại, giữ vững sự bình yên cho biên giới phía tây của đất nước Đại Việt.
Gửi phản hồi
In bài viết