Những trận lũ lịch sử ở Tuyên Quang

- Tuyên Quang vừa trải qua trận lụt lịch sử, thời điểm đỉnh lũ đạt cos 27,73 m. Cơn lũ này tương đương trận lụt năm 1969.

Từ năm 1939 đến nay, Tuyên Quang đã trải qua nhiều trận lũ. Qua nghiên cứu, sưu tầm trong tài liệu chính thống của Thị xã Tuyên Quang (nay là TP Tuyên Quang) như Địa chí TP Tuyên Quang của Thành ủy Tuyên Quang, do Nhà xuất bản thanh niên xuất bản năm 2020; bằng tài liệu lưu trữ và điền dã của người làm báo, sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, có thể thống kê một số trận lụt lớn đã xảy ra:

Trận lụt mang tên CÁM HẾNH 1939

Ông CÁM HẾNH là NGƯỜI HOA bán tạp hóa ở gần chợ Con, cách chùa Trùng Quang gần trăm mét. Ông bán đất đèn cho thợ mỏ than. Khi nước ngập vào lưng nhà, thùng đất đèn bị ngập đã xì hơi mạnh. Người nhà mang đèn từ tầng gác xuống soi xem nước, hơi đất đèn bốc ra bắt lửa gây nổ phá tan nhà, tất cả những người trong nhà chết hết. Từ đó người ta gọi trận lụt này là lụt CÁM HẾNH và lấy trận lụt này để so với các trận lụt khác.

Trận lụt PHÁN HOAN xảy ra năm 1945

Ông Phán Hoan là quan chức của chính quyền nhà Nguyễn, trụ sở ở khu Xuân Hòa. Khi nước lên, ông đã đi xe kéo để chạy về nhà. Đến giữa cầu Chả cũ, nước lũ ống đột ngột kéo về đã lật úp xe kéo khiến ông PHÁN HOAN và người phu xe chết. Từ đó người ta gọi là trận lụt PHÁN HOAN.

Trận lụt năm 1969

Do mưa kéo dài nhiều ngày, nên từ 13/8 đến 21/8 trong 9 ngày thị xã Tuyên Quang chìm trong biển nước. Đỉnh lũ đạt 30,67 m khiến hàng ngàn ngôi nhà ở các phố Tam Cờ, Quang Trung, Xã Tắc, Minh Tân, Cầu Lườn, Ỷ La bị ngập, nhiều nhà thiếu ăn, thiếu nước, bệnh tật xuất hiện. 300 ngôi nhà bị trôi, bị sập; 80% trụ sở các cơ quan kho tàng bị ngập.

Trận lụt năm 1971

Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên từ 17 giờ ngày 14/8/1971 nước sông Lô lên rất nhanh, dân không kịp đóng mảng. Đến 23 giờ nhà dân các phố Tam Cờ, Xã Tắc, khu Việt Kiều nước đã vào lưng nhà và vẫn lên rất nhanh. Đến trưa ngày 20/8 nước sông Lô đạt đỉnh lũ 32,35 m, cao hơn lũ năm 1969 là 1,71 m, lưu lượng dòng nước 1.260 m3/giây.

Nước vào khiến nhiều nhà dân bị ngập đến nóc, ở Tam Cờ có Đền Hạ là cao cũng ngập lủm chỉ hở 4 mái đình đao. Dân phải sử dụng các bè nứa của lâm sản để ở, rồi được xuồng của UBND tỉnh cứu đưa lên Bách hóa để trú tạm.

Toàn thị xã có 206 nhà dân bị nước cuốn trôi, 1.085 nhà dân bị đổ, 14 nhà cơ quan bị đổ; 122 phòng học bị đổ, trong đó có 36 gian bị trôi, 16 nhà trẻ, 8 nhà kho của HTX, 113 gian nhà của HTX thủ công nghiệp bị trôi đổ. 35 tấn lương thực thực phẩm giống cây trồng bị lũ cuốn trôi.

Nhân dân các phố chạy lên các điểm cao như Bách hóa, trường Hồng Thái, đình Xã Tắc, dốc UBND tỉnh. Dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu gạo, muối, rau, nước ăn, thiếu thuốc chữa bệnh... Bà con lá lành đùm lá rách giúp nhau qua đại hồng thủy. Sau khi nước rút, bùn ngập hàng nửa mét trong nhà, hàng mét ngoài đường, dân hô nhau dọn dẹp. 

Trận lụt năm 1986

Mưa lớn từ 13 đến 28/7/1986. Riêng từ ngày 20 đến 23/7 mưa ở thị xã đến 200 - 300 mm, nước lên nhanh và rất nhanh khiến toàn bộ thị xã ngập, nước ngập từ 2,1 m đến 2,5 m trong nhà, đồ đạc bỏ hết để chạy lấy người.

Ở phố Tam Cờ, khoảng 19 giờ, téc xăng của Công ty lâm sản ở bến ô tô hiện nay bị nước ngập, xăng tràn ra khắp nơi, lên tận cổng Đền Hạ. Một người dân dùng bật lửa soi nước, lửa bùng cháy dữ dội, may không ai bị bỏng hoặc chết bỏng.

Từ năm 2001 - 2005 xảy ra 4 trận lụt lớn:

- Trận lụt tháng 5/2001: Đỉnh lũ đầu tháng 5 là 17,78 m, cuối tháng nước lại lên, đỉnh lũ là 22,09 m.

- Trận lũ tháng 7/2002: Từ ngày 3/7 đến 10/7/2002 lại lũ lớn, ngày 5/7 đỉnh lũ đạt 28,64 m.

- Trận lụt tháng 7/2004: nước sông Gâm, sông Lô đổ về, tại thị xã nước đạt độ cao 25,94 m.

- Trận lụt tháng 8/2005: Nhiều đỉnh lũ xuất hiện, ngày 16/8 đỉnh lũ đạt 23,78 m.

- Và ngày 11/9/2024, sau 60 năm đỉnh lũ tại Tp Tuyên Quang đạt 27,73 m.

Phí Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục