Định vị thương hiệu

- Sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên dấu ấn của điểm đến, tăng sức hút, hấp dẫn du khách, đồng thời là công cụ quảng bá hình ảnh điểm đến.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 240 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Ngoài ra, tỉnh còn có các làng nghề chè ở Sơn Dương; nghề bánh gai ở Chiêm Hóa; thêu, dệt thổ cẩm ở Lâm Bình... là tiềm năng rất lớn để làm sản phẩm quà tặng, quà lưu du lịch.

Tuy nhiên, phần lớn các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh hiện vẫn trong tình trạng thiếu vắng các sản phẩm lưu niệm có tính đặc trưng, độc đáo, đủ sức níu chân du khách. Thực tế nhu cầu mua đồ lưu niệm, sản phẩm du lịch khi đi tham quan của du khách rất lớn, nhưng các địa phương vẫn chưa chú trọng đến việc sản xuất các sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Nguyên nhân là bởi các địa phương vẫn loay hoay trong phát triển sản phẩm quà tặng do chưa có định hướng về nhận diện thương hiệu nên khó tạo được chú ý cho du khách. Hệ thống cơ sở, cửa hàng bán các sản phẩm du lịch còn rất thiếu. Bên cạnh đó các cơ sở sản xuất tại các địa phương lại không đủ vốn và năng lực để đầu tư cửa hàng trưng bày đón khách trực tiếp đến trải nghiệm sản xuất, mua sản phẩm.

Theo các chuyên gia về du lịch cho rằng, muốn phát triển lĩnh vực quà tặng du lịch thì phải xác định được sản phẩm nào bán cho đối tượng nào để có sản phẩm phù hợp mang thông điệp của địa phương. Để các món quà tặng lưu giữ trong tâm trí du khách thì nhà sản xuất phải có những câu chuyện văn hóa gắn với sản phẩm. Từ đó, chạm vào cảm xúc của du khách, kích thích nhu cầu mua sắm của khách. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức “không gian sáng tạo” để du khách trải nghiệm sản xuất sản phẩm tại chỗ. Bên cạnh việc xây dựng kênh tiêu thụ trực tiếp tại các điểm du lịch, các làng nghề, thì nên tận dụng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, địa chỉ sản xuất tới du khách.

Ngoài những yếu tố trên, chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình... về cơ chế, chính sách, các giải pháp để thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch; hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, bền vững. Đồng thời đáp ứng số lượng, bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã, thân thiện với môi trường, giá cả hợp lý, có tính ứng dụng cao để hấp dẫn du khách.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục