Phụ huynh hãy lên tiếng

- Tôi không ít lần được nghe nhiều bậc phụ huynh nhắn tin thắc mắc, bày tỏ sự bất bình trước một số khoản thu không hợp lý tại nhà trường của con mình nhưng lại chỉ biết “tặc lưỡi” cho qua vì không muốn để con “ngại” với thầy cô, bạn bè; không muốn để con lọt vào vùng “soi” của cô giáo chủ nhiệm hay bị cô lập. Tôi tự hỏi, có bao nhiêu bậc cha mẹ, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã lên tiếng trước những khoản thu không hợp lý?

Theo Thông tư số 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Thông tư cũng quy định có 7 khoản ủng hộ mà Ban đại diện cha mẹ không được phép thu, nhưng trên thực tế, ở một số nơi trong cả nước, 7 khoản cấm thu này vẫn đang bị lạm thu với những từ ngữ đã được chuyển hóa như “trên tinh thần tự nguyện”. Nhiều vụ việc trong cả nước đã bị xử lý cho thấy, Ban đại diện cha mẹ chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, thậm chí trở thành cánh tay thu hộ nhà trường.

Trong một số cuộc khảo sát cho thấy, kết quả đa số phụ huynh mong muốn xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của Ban đại diện cha mẹ. Ở nhiều nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh dã dám lên tiếng, sử dụng quyền giám sát của mình để đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, để các khoản thu, chi hợp lý, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích cho học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh đã phản biện, đóng góp nhiều sáng kiến để cải tiến phương pháp dạy học.

Trong các trường hợp, vụ việc xảy ra lạm thu, thu không đúng quy định đã bị xử lý ở một số địa phương trong cả nước thời gian qua, ngoài trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, địa phương, ngành Giáo dục, nhà trường cần nhìn lại vai trò, trách nhiệm của phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nhiều chuyên gia về giáo dục cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học, phụ huynh cần phải nắm bắt rõ các quy định về thu phí đầu năm học, các khoản thu của nhà trường để lên tiếng, phản biện khi phát hiện có dấu hiệu lạm thu, tránh tình trạng “mắt nhắm, mắt mở” cho qua chỉ vì sợ con mình bị trù úm.

Việc lên tiếng kịp thời của phụ huynh học sinh là rất cần thiết để những dấu hiệu lạm thu được phát hiện, giải quyết sớm, không tạo ra bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp sự lên tiếng của phụ huynh đã trở thành cái cớ để phân biệt đối xử với học sinh, làm méo mó môi trường giáo dục. Tình trạng này cũng cần phải được phát hiện và xử lý nghiêm.

Thông tư số 55 cũng quy định, cha mẹ học sinh được quyền “từ chối ủng hộ” các khoản do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất. Do đó, phụ huynh học sinh cần nắm bắt đầy đủ các quy định về đóng góp đầu năm học để giám sát và lên tiếng khi phát hiện có những khoản thu không đúng quy định. Chỉ khi phụ huynh nắm bắt đầy đủ các quy định và lên tiếng đấu tranh cho cái đúng mới không để cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội lạm quyền.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục