Thơm trang vở mới

- “Bán tóc đi em ơi, tóc dài thế để làm gì!”. Chị giật mình bởi tiếng hỏi từ phía sau. Một người đàn bà bịt kín mặt để hở mỗi hai mắt đang chờ câu trả lời từ chị.

Chị vờ hỏi: “Chị vừa hỏi mua tóc à, em vấn tóc gọn này mà chị vẫn biết tóc em dài?”. Người đàn bà đon đả: “Biết chứ, bọn chị làm nghề, nhìn cái biết ngay là tóc em dài đẹp. Bán cho chị nhé. Lại góc kia cho rộng, chị xem cho”. Vừa nói người đàn bà vừa nhanh nhẹn dẫn chị lại khoảng trống nơi góc chợ.


Minh họa: Bích Ngọc

Chị nhanh chóng buông thõng mái tóc của mình ra cho người đàn bà xem. Đôi mắt người đàn bà bừng sáng: “Ăn gì mà tóc đen và mượt thế em gái, thôi bán bớt đi chứ nuôi dài quá làm gì?”. “Chị mua giá thế nào?”. Người đàn bà mỉm cười: “Giá thì còn phải xem em gái bán thế nào đã”. Đây đâu phải lần đầu chị bán tóc, buộc mái tóc lại cho gọn gàng chị dõng dạc: “Em muốn cắt đến ngang vai chứ không tỉa thì chị mua thế nào?”. Người đàn bà chép miệng, tay vuốt vuốt đuôi tóc chị bảo: “Ừ, tóc em kể ra đẹp và dày dặn, nhưng mà cái đuôi nó vót quá. Nếu bán từ ngang vai trở xuống chị trả sáu đồng còn tỉa sâu lên trên thì một triệu nhé!”. “Trời, chị mua sao mà rẻ thế, thôi em không bán đâu”. Nói rồi, chị thủng thẳng bước đi vì nghĩ mình đâu có ý định bán tóc. Hôm nay đi chợ mục đích là mua hạt rau và cây con về trồng thôi mà.

“Mua quần áo đi em, đồ trẻ em rẻ và đẹp lắm, em vào xem đi”. Chị định bỏ ngoài tai những lời mời chào đầy hấp dẫn ấy, nhưng bất chợt câu hỏi của bé Bống lại văng vẳng bên tai: “Mẹ ơi, sao cứ Tết và đầu năm học mới cái Nhím, cái Chíp xóm mình lại được mua bao nhiêu là quần áo mới. Còn Bống thì không. Có phải do nhà mình nghèo không mẹ?”. Chị bỗng thấy tim mình nhói đau, sống mũi cay xè và nước mắt chỉ trực trào ra. Giá mà chị lo được cho con cho bằng bạn bằng bè.

Vốn định bước đi rồi, nhưng có điều gì đó cứ thôi thúc chị vào xem quần áo. Công nhận đồ trẻ em trông dễ thương thật. Chị ngắm nghía, mân mê một lúc và thầm ước giá mà có nhiều tiền chị sẽ mua thật nhiều đồ cho Bống. Cầm trên tay một bộ đồ chị tưởng tượng khi Bống mặc vào chắc là sẽ đẹp lắm đây. Nghĩ đến ánh mắt thích thú của con lòng chị lại ánh lên niềm hạnh phúc.

- Mua đi em, hàng xịn, chất mát, đủ size, trăm rưỡi một bộ.
- Đắt vậy chị, có bộ nào rẻ hơn không?
- Chịu, muốn rẻ thì mua hàng thùng!

Chị rón rén moi cọc tiền trong túi ra đếm, chỉ còn đúng tám mươi lăm nghìn, lát mua ít thức ăn là vừa hết. Vội vàng nhét lại túi, chị ngại ngùng: “Thôi, chị cất hộ với, lúc nào em mua sau”. Nói rồi chị vội bước, nhưng những lời phàn nàn của chủ quán lọt vào tai chị không sót chữ nào: “Gớm thật, xem chán chê có trăm rưỡi bộ quần áo đẹp này mà vẫn còn đắt rẻ, chịu người!”. Điều ấy như xát muối vào lòng chị, giá họ biết chị không bủn xỉn mà đơn giản chỉ vì chị nghèo thôi.

“Em ơi, thế vẫn quyết không bán tóc à?”. Chị đang bước đi như người mất hồn, bỗng giật mình. Vẫn là người đàn bà mua tóc ban nãy, thị hăm hở: “Bán đi em, nếu cắt tỉa chị trả em triệu hai. Giá này là tươi lắm rồi, mở hàng cho chị. Nhé!”. Hai chữ “triệu hai” lóe lên trong đầu chị. Ừ, triệu hai cũng được đó chứ, giờ biết làm gì để kiếm được triệu hai.

- Tôi bán, nhưng chị phải cắt cho đẹp, cắt sâu quá hỏng tôi bắt đền đấy!
- Yên tâm, chị chỉ tỉa ở dưới thôi, buộc lên vẫn đẹp, không lộ nhé!

Chị biết tỏng, mấy người mua tóc chỉ nói vậy thôi, chứ đang một triệu mà lên triệu hai thì họ cũng tự biết cách để bù lỗ. Nhưng tóc có thể mọc lại mà, điều chị cần lúc này là tiền.

Những nhát kéo liến thoáng, liếc thật nhanh, thoắt cái chị đã thấy đầu mình nhẹ bẫng. Từng lọn tóc đen dài, mượt mà đã nằm gọn trên tay người đàn bà mua tóc. “Này chị gửi tiền, nhìn trên đầu thì vậy thôi, chứ cắt ra được có tí nè!”. Người đàn bà nhanh chóng cất tóc vào túi và mất hút vào trong đám đông ồn ào.

Chị vuốt lại mái tóc mà cảm thấy hụt hẫng, mái tóc dày dặn giờ chỉ le ve như cái đuôi lợn. Khẽ thở dài, chị tự động viên mình rằng có gì đâu, rồi tóc sẽ mọc lại nhanh thôi. Chẳng phải ngày bé mọi người vẫn thường trêu chị là đầu chỉ để mọc tóc do tóc nhanh dài và đen còn gì.

Bước đến quầy quần áo ban nãy, vừa thấy chị người bán hàng cười khẩy bảo: “Tưởng thế nào, chắc chẳng có chỗ nào rẻ như chỗ này nên lại quay lại chứ gì?”. Chị không bận tâm câu hỏi ấy, đỡ lấy túi quần áo chị định bước đi thì mắt lại va phải vô số những đồ khác.

Bống luôn ước ao có một chiếc ba-lô màu hồng in hình Elsa thì chiếc ba-lô ấy đang ở ngay trước mắt chị. Chủ quầy thật biết cách nắm bắt tâm lý khách hàng, họ không chỉ bán quần áo, mà ba-lô, cặp sách, giày dép, mũ nón đủ cả. Chị chọn mỗi thứ một món giọng năn nỉ:

- Chị ơi, em mua nhiều chị giảm giá nhé!

- Ừ, đương nhiên. Ba-lô hai trăm, dép quai năm chục, mũ ba chục. Tổng hai trăm tám. Bớt cho chục còn hai trăm bảy.

- Bớt cho em thêm vài đồng nữa chị ơi, em mua bìa đậu cho bữa trưa. Nhé chị!

Người đàn bà thở dài đánh đuột một cái:

- Thôi được, kỳ kèo mãi, bớt thêm cho năm nghìn nữa còn hai trăm sáu lăm nghìn, chứ không bớt nữa đâu nhé!

Chị mừng rỡ trả tiền rồi bước nhanh qua hàng thực phẩm mua một ít thức ăn. Nhìn trong làn kha khá đồ mà lòng chị thấy phấn khởi.

Bé Bống thấy mẹ đi chợ về thì reo lên mừng rỡ: “A, mẹ về!”. Rồi chạy vù ra cổng đón mẹ. Lần nào chị đi chợ về Bống cũng vui vẻ như vậy. Và cũng lâu lắm rồi Bống không còn hỏi: “Mẹ đi chợ có mua gì cho con không?”. Hôm nay, nếu con có hỏi thì chị cũng không phải lo lắng về câu trả lời nữa. Bống lon ton xách làn vào nhà và reo lên sung sướng: “A, mẹ mua nhiều đồ đẹp quá!”. Bà lão đang nằm trên giường nói vọng ra:

- Về rồi đấy à, nay đi chợ hơi lâu đấy nhé!
- Vâng, nay con mua cho Bống ít đồ bầm ạ.
- Tiền đâu ra mà mua lắm thế?
- À…!

Chị lảng tránh câu hỏi của bà lão, mắt tập trung vào bé Bống. Bống vui sướng mặc thử đồ mới, bộ quần áo rất vừa vặn, bé đi dép mới, đeo ba-lo và đội mũ mới. Xoay một vòng bé reo lên vui sướng: “Bà ơi, mẹ ơi nhìn Bống có đẹp không này?”. Khoảnh khắc ấy chị thấy lòng mình hạnh phúc, nhoẻn miệng cười, ôm con vào lòng giọng chị nghẹn ngào: - Đẹp lắm, cô học trò nhỏ ra dáng quá thôi!

- Mẹ ơi, mẹ thấy mùi gì không?
- Mùi gì vậy con?
- Con thấy giống mùi đồ của bọn Nhím và Chíp, là mùi mới đấy mẹ ạ!
- Ừ, mùi đồ mới - Chị khẽ gật đầu mà đôi mắt rớm lệ.

Đây có lẽ là lần đầu Bống được mua nhiều đồ mới đến vậy. Bởi từ lúc sinh Bống ra đến cái tã lót hay mấy bộ quần áo sơ sinh chị cũng đi xin lại của mọi người trong xóm, vừa tiết kiệm lại vừa để xin vía mong Bống khỏe mạnh, dễ nuôi. Đến giờ cũng vậy, vì thương hoàn cảnh gia đình chị, nên đồ cũ mà vẫn dùng tốt là mọi người lại gói ghém đem cho. Tuy những đồ đó vẫn đẹp nhưng Bống thường thắc mắc đồ của Bống không có mùi thơm giống đồ của các bạn trong xóm.

Trong nhà bà lão thở dài miệng lẩm bẩm: “Rau thì ngập nước hỏng hết, không biết tiền đâu ra mà mua lắm đồ thế, khéo mà lại mua chịu của người ta rồi!”. Biết tính bà lão, chị mỉm cười động viên:

- Bầm yên tâm, con không mua chịu. Mà bầm thấy trong người sao rồi? Nghe Bống bảo sáng nay bầm chống nạng đi một mình được rồi à?
- Ừ, đi được một đoạn mà mệt nhoài!
- Thật ạ. Vậy thì tốt quá! - Chị khẽ reo lên.
- Ừ. Suốt mấy năm nay, tao nằm đâu nằm đấy chẳng giúp được gì cho mẹ con mày. Giờ tao chỉ mong nhanh khỏe để trông nom cái Bống. Có thế mày mới yên tâm đi làm mà nuôi con, chứ mày cứ loanh quanh mấy sào ruộng lại chăm bầm ốm thì lấy đâu ra tiền hả con.
- Thôi, bầm đừng nghĩ nhiều nữa. Bầm cứ khỏe là con mừng rồi. Mọi việc con sẽ cố gắng lo liệu. Giờ để con lấy rượu thuốc con bóp chân cho bầm nhé!

Bà lão gật gù vuốt nhẹ đôi tay lên tóc con gái, có điều gì đó khiến tay bà khựng lại, giọng bàng hoàng: - Tóc mày đâu hết rồi con, sao còn mấy cái lèo tèo thế này? Mày lại bán tóc phải không, thảo nào từ lúc về tao cứ thấy bịt khăn. Thế được mấy đồng?

- Triệu hai ạ!
- Trời, sao để nó cắt thế này, hỏng hết cả tóc rồi!
- Không sao đâu bầm, rồi tóc con sẽ nhanh mọc lại thôi. Chỉ cần nghĩ đến sự vui vẻ của Bống thì con chẳng cần gì hết!

Bà lão sụt sịt, khẽ lấy vạt áo thấm nước trên mí mắt.

Chị đã xuống đến bếp, đong gạo nấu cơm mà vẫn thấy tiếng sụt sịt của bà lão. Tự dưng nước mắt chị ứa ra. Chị thương mẹ, người đàn bà nhỏ bé. Từ lúc sinh ra mẹ đã bị dị tật ở chân nên bước đi tập tễnh. Vì thế mà mẹ ế chồng. Ngỡ tưởng rằng mẹ sẽ sống trong nỗi cô đơn đến cuối đời. Nhưng sự xuất hiện của chị như một món quà đối với mẹ. Gần ba mươi năm, dù không biết bố mình là ai nhưng chị cảm thấy hạnh phúc vì có mẹ luôn bên cạnh. Mẹ vất vả nuôi chị học hết phổ thông. Sau tốt nghiệp chị xin làm công nhân ở khu công nghiệp. Ngỡ tưởng cuộc sống bình dị sẽ êm đềm trôi qua. Nhưng với cái tính thật thà, dễ tin người chị đã phải trả giá cho sự ngây thơ của mình. Chị đã tin và yêu người ấy, sẵn sàng trao cho anh ta thứ quý giá nhất của đời người con gái. Nhưng cuối cùng chị bẽ bàng, tủi nhục trở về quê với mẹ khi cái bụng bầu đã lồ lộ, còn anh ta thì bặt vô âm tín.

Từ ngày chị sinh Bống biết bao thứ phải lo. Mẹ là niềm an ủi duy nhất nhưng trớ trêu thay khi Bống vừa tròn một tuổi thì chẳng may mẹ bị tai biến nằm liệt giường. Bẵng cái đã mấy năm rời. Chị vừa chăm con vừa chăm mẹ, quần quật làm ruộng lo tiền thuốc thang cho mẹ và bỉm sữa cho Bống. Nên ai thương tình cho đồ cũ chị đều nhận hết và trong lòng rất biết ơn họ.

Bé Bống năm nay lên lớp hai. Cứ đầu năm học mới điều chị lo nhất là tiền đóng học cho con. Mọi năm thuận lợi, mỗi bận bán rau, bán gà, chị tằn tiện tích cóp cũng đủ. Vậy mà năm nay mưa nhiều ruộng rau cứ trồng lại ngập, úng rễ chết hết. Tiền bán tóc nếu không mua mấy đồ thì bù vào cũng đủ chỗ thiếu. Thôi thì tối nay chị sẽ sang nhà Điều ở đầu xóm lấy ít hàng gia công về cắt chỉ. Mai mang yến vừng khô đi bán cố com cóp cho đủ. Nghĩ vậy chị thấy yên tâm hơn.

Có lẽ vì thương bà và mẹ mà Bống tuy nhỏ nhưng rất hiểu chuyện. Cứ tối đến là bé tự ngồi vào bàn học bài chẳng cần mẹ phải nhắc nhở. Mỗi lần nhìn cái dáng nhỏ bé của con đang chăm chú viết bài lòng chị lại thấy bao hy vọng về tương lai. Chị luôn tự dặn lòng phải thật cố gắng thật nhiều vì tương lai của con.

Bống ngồi học bài còn chị nhặt chỉ dưới sàn. Mải làm đến lúc chị ngẩng lên thì con đã ngủ gục trên bàn. Chị nhẹ nhàng bế con lên giường và mắt chị va phải những dòng chữ nắn nót trên trang vở mới: “Bà kể với em rằng mẹ đã phải bán mái tóc đen dài để có tiền mua đồ mới cho em đi học. Giá mà em không đòi mua đồ mới thì mẹ đã không phải bán tóc. Em thương mẹ lắm nên sẽ cố gắng chăm chỉ học hành”. Mắt chị nhòe đi, có giọt nước mắt mang tên hạnh phúc vô tình rơi trên trang vở mới. Mùi trang vở mới với những nét chữ nắn nót sao mà đáng yêu đến thế. Chị gấp trang vở lại khẽ thơm lên trán con đầy âu yếm.

Truyện ngắn: Trần Tú

Tin cùng chuyên mục